Hỏi:
Vợ chồng cùng mua một mảnh đất, cùng thỏa thuận cho chồng đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Thực hiện ủy quyền đứng tên như thế nào?
—————–

Trả lời:
Một trong những căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng là việc Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng (Khoản 2, Điều 24, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Việc ủy quyền được quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Tuy nhiên, hợp đồng ủy quyền chỉ cần thiết để thực hiện các việc giao dịch dân sự như mua bán tài sản, ký hợp đồng,… Nhưng không bao gồm việc ủy quyền đại diện đứng tên làm chủ sở hữu một tài sản. Bởi vì “đứng tên sổ đỏ” là sự công nhận quyền sử dụng đất với cá nhân đó, do đó không thể ủy quyền “đứng tên” thay được.
Tuy vậy, đất đai vợ chồng mua chung thì được xem là tài sản chung của hai người. Không ít trường hợp vợ chồng thỏa thuận để một người đứng tên đại diện thay mặt người kia. Nhưng đây là thỏa thuận riêng tư giữa vợ và chồng, và thường không cần thực hiện một hợp đồng ủy quyền mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau.
Về việc hiển thị thông tin sở hữu trên sổ đỏ
Theo quy định tại Khoản 16, Điều 3, Luật Đất Đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Trên giấy tờ sở hữu (trong trường hợp này là sổ đỏ) thì việc thể hiện thông tin về chủ sở hữu, người sử dụng theo quy định tại Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BNTMT quy định như sau:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được cấp Giấy chứng nhận được ghi trên Sổ đỏ, Sổ hồng với các thông tin: Họ tên, năm sinh, tên, số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú.
– Chủ sở hữu đất và chủ sử dụng đất không cùng là một người thì sẽ cấp riêng Sổ đỏ, Sổ hồng cho từng người và Sổ cấp cho người nào thì chỉ ghi thông tin của người đó.
– Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản và có thoả thuận về việc cấp Sổ đỏ cho người đại diện thì văn bản thoả thuận này phải được công chứng, chứng thực và Giấy chứng nhận này sẽ cấp cho người đại diện đó. Tuy nhiên, trên Sổ đỏ, ngoài dòng ghi thông tin về người đại diện thì vẫn phải ghi đầy đủ các thông tin của các người đồng sử dụng, đồng sở hữu khác.
Như vậy, trên “sổ đỏ” vẫn hiển thị đầy đủ thông tin của người chủ sở hữu và người đồng sở hữu. Để thuận tiện và tránh nhiều rắc rối thì cả hai vợ chồng có thể cùng đứng tên đồng sở hữu mảnh đất này.
—————-
Liên hệ Luật sư Hôn nhân và Gia đình ANSG Law


