Hỏi: Tôi mang thai đã 5 tháng, nhưng suốt thời gian qua chồng tôi thường xuyên rượu chè, đi sớm về khuya không quan tâm gì đến sức khỏe mẹ con tôi. Vậy cho tôi hỏi, hành vi của chồng tôi không quan tâm vợ khi đang mang thai có vi phạm quy định gì của pháp luật không?
Trả lời:Ngày nay, bạo lực gia đình xảy ra rất nhiều. Bạo lực gia đình không chỉ là đánh đập, hành hạ, ngược đãi mà còn là những hành vi không quan tâm, chăm sóc, không thực hiện những trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong gia đình.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về hành vi bạo lực gia đình như sau:
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Như vậy, dựa theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì hành vi bỏ mặc, không quan tâm, không chăm sóc vợ đang mang thai là một hành vi bạo lực gia đình.
Cụ thể, hành vi chồng không chăm sóc vợ đang mang thai có thể được coi là bạo lực gia đình trong các trường hợp sau:
- Vợ đang mang thai bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt chất dinh dưỡng do chồng không cung cấp đầy đủ thức ăn, thuốc men, chăm sóc sức khỏe;
- Vợ đang mang thai bị trầm cảm, lo lắng, stress do chồng không quan tâm, chia sẻ, động viên;
- Vợ đang mang thai bị tổn thương tinh thần, danh dự, nhân phẩm do chồng có hành vi bạo lực thể chất, lời nói, hành vi xúc phạm.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Xem thêm
Chồng vay tiền không trả, vợ có phải trả nợ thay chồng không?
Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình