Trong đời sống vợ chồng có rất nhiều mâu thuẫn và mỗi cuộc hôn nhân sẽ có những nguyên nhân dẫn đến ly hôn khác nhau. Khi soạn nội dung đơn ly hôn, cần viết lý do ly hôn gì để tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn của bạn?
Vì sao phải viết ly do ly hôn?
Trong các nội dung chính của Đơn ly hôn (Yêu cầu thuận tình ly hôn hoặc đơn khởi kiện ly hôn) đều có phần bắt buộc là nêu lý do dẫn đến việc ly hôn. Đây chính là căn cứ để tòa án xem xét và giải quyết yêu cầu ly hôn của đương sự.
Không phải tất cả lý do mà các đương sự đưa ra đều sẽ được tòa án chấp nhận, những lý do đó phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lý do phải có tính chính xác, đúng với tình hình thực tế:
Tính chính xác của lý do dựa trên bản tự khai của các đương sự (vợ, chồng) về sự vụ, sự việc xảy ra có thực và được chính họ cam kết về tính chính xác của sự kiện đó. Việc xác định tính chính xác của lý do nhằm đảm bảo việc giải quyết ly hôn của tòa án là đúng đắn và bám sát vào nhu cầu thực tế của đời sống vợ chồng.
- Lý do có tính trung thực không phải là bịa đặt hoặc giả tạo:
Tính trung thực của lý do cũng dựa trên sự cam kết của đương sự trong bản tự khai. Nhằm tránh việc tạo dựng, bịa đặt tình huống, ngăn chặn hành vi ly hôn giả tạo được quy định tại Khoản 15, Điều 3, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014), theo đó:
“Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.”
- Lý do đó phải chính đáng:
Tính chính đáng nghĩa là phải dựa trên những căn cứ, mâu thuẫn của đối phương xâm phạm đến quyền và lợi ích của mỗi bên vợ chồng được pháp luật bảo vệ, chứ không dựa trên những mong cầu vô lý, không có căn cứ của đương sự. Ví dụ lý do chính đáng để ly hôn là vì người chồng đánh đập người vợ, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người vợ – quyền được pháp luật bảo vệ. Còn lý do không chính đáng chẳng hạn như: chồng không giặt đồ cho vợ nên vợ giận dỗi ly hôn, hoặc vợ không còn xinh đẹp nên chồng muốn ly hôn, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nên muốn ly hôn, vợ không sinh được con nên muốn ly hôn…
Xác định nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn
Mặc dù có rất nhiều lý do dẫn đến ly hôn, nhưng vợ chồng cần chắt lọc ra 1, 2 lý do chính để viết vào đơn ly hôn. Các lý do ly hôn để tòa án chấp nhận yêu cầu thường là các lý do sau:
- Đối với thuận tình ly hôn:
Căn cứ theo Điều 55, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 về Thuận tình ly hôn thì: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Như vậy căn cứ để tòa án giải quyết ly hôn là vợ chồng tự nguyện ly hôn. Hôn nhân là dựa trên cơ sở tự nguyện, tuy nhiên khi cả hai vợ chồng đã xác định mục đích xây dựng gia đình chung không còn đạt được nên không thể cưỡng ép vợ chồng tiếp tục sống cùng nhau. Tòa án sẽ tôn trọng đồng thuận tự nguyên ly hôn đó của vợ chồng.
- Đối với đơn phương ly hôn:
Căn cứ theo Điều 56, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 về Ly hôn theo yêu cầu của một bên thì:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Các lý do ly hôn đơn phương phổ biến như:
- Vợ, chồng có hành vi bạo hành, bạo lực gia đình (cả thể chất lẫn tinh thần);
- Vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng các quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân (không chung thủy, không quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…);
- Vợ, chồng không tôn trọng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nhau; Hay ngăn cản, xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau…
Kinh nghiệm thực tiễn từ trong quá trình hỗ trợ khách hàng thực hiện ly hôn từ Luật sư thì việc trình bày lý do ly hôn không cần quá dài dòng hay khuôn mẫu. Mà chỉ cần thể hiện tóm gọn được vấn đề trong hôn nhân một cách trung thực và nhấn mạnh rằng bản thân cảm thấy “Hạnh phúc hôn nhân không đạt được/ Đời sống chung không thể kéo dài” là được.