Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đối với yêu cầu ly hôn sẽ có 2 trường hợp như sau:
– Ly hôn thuận tình: Là yêu cầu ly hôn đồng thuận từ hai phía, cả chồng và vợ đều đồng ý ly hôn.
– Ly hôn đơn phương: Là yêu cầu ly hôn từ một phía của vợ hoặc chồng.
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/09/Thuan-tinh-ly-hon-la-gi--1024x1024.png)
Thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, theo đó:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Khi vợ và chồng cùng đồng thuận ly hôn, để quá trình giải quyết ly hôn được diễn ra nhanh chóng và dễ dàng thì cần đạt được các thỏa thuận sau đây
– Thỏa thuận về việc nuôi con (nếu có):
Thỏa thuận về quyền nuôi con sau ly hôn sẽ bao gồm các vấn đề sau:
Ai là người sẽ trực tiếp nuôi con? Dựa trên các điều kiện về kinh tế, điều kiện nuôi dạy, chỗ ở, điều kiện sinh sống và học tập tốt nhất cho con hay giao cho người có điều kiện tốt hơn để trực tiếp nuôi dưỡng con.
Đối với người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Nghĩa vụ cấp dưỡng này sẽ được thực hiện xuyên suốt cho đến khi con 18 tuổi hoặc đến khi con có đủ khả năng tự nuôi sống mình. Song song với nghĩa vụ này thì người không trực tiếp nuôi con vẫn được quyền chăm sóc, thăm nom và gặp gỡ con thường xuyên. Cả hai vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về thời gian, hình thức thăm nom, gặp gỡ tạo điều kiện tốt cho các con vẫn được ở cạnh cha và mẹ của mình, kể cả khi cha mẹ đã ly hôn.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến mong muốn của các con muốn ở với cha hay ở với mẹ hơn.Thỏa thuận có sự tham khảo ý kiến của con là một niềm an ủi thiết thực về mặt tinh thần, phần nào giúp các con dễ thích nghi với cuộc sống hậu ly hôn của cha mẹ hơn.
Trong trường hợp vợ chồng không thống nhất được với nhau về việc nuôi con thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo pháp luật.
– Thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung (nếu có):
Khi vợ chồng ly hôn, các tài sản thuộc sở hữu riêng sẽ không phải phân chia, nhưng các tài sản thuộc sở hữu chung thì sẽ được chia cho cả hai. Nguyên tắc phân chia là dựa trên công sức đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản chung đó, mỗi người sẽ nhận được tài sản tương ứng với công sức đóng góp của mình.
Nếu không tự phân chia được các tài sản này thì vợ chồng có thể yêu cầu tòa án phân chia.
– Thỏa thuận về việc phân chia nợ chung (nếu có):
Bên cạnh tài sản chung thì các nghĩa vụ về nợ chung trong đời sống hôn nhân cũng cần được phân chia rõ ràng khi ly hôn. Tương tự như tài sản chung, nợ chung cũng sẽ được chia dựa trên trách nhiệm của mỗi bên. Bên nào có trách nhiệm phần nợ nhiều hơn thì sẽ chịu phần thanh toán nợ tương ứng.
Nếu không tự phân chia nợ được thì vợ chồng có thể yêu cầu tòa án phân chia khi ly hôn.
Khi vợ chồng cùng đồng thuận ly hôn, nếu các vấn đề kể trên có thể tự thỏa thuận với nhau và không yêu cầu tòa án giải quyết, xét thấy đời sống chung không hòa hợp, hòa giải không thành, mục đích của hôn nhân không đạt được, thì quá trình ly hôn sẽ diễn ra nhanh chóng.Thời gian xử lý ly hôn trung bình dao động từ 20 – 30 ngày.