Hỏi:
Tôi và chồng cũ đã ly hôn xong, tôi được trao quyền trực tiếp chăm sóc và nuôi con, còn chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên trong thời gian qua, chồng cũ của tôi đã không thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng này. Tôi xin hỏi có thể làm đơn yêu cầu cấp dưỡng không? Làm hồ sơ như thế nào?
Trả lời:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định thế nào?
Chiếu theo quy định khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Cũng căn cứ theo khoản 2 Điều 82 của luật này cũng có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đó là: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Từ những quy định trên, có thể thấy việc cấp dưỡng nuôi con không chỉ được xem là trách nhiệm của người làm cha mẹ mà còn là một nghĩa vụ buộc phải thực hiện của người không trực tiếp nuôi con. Do đó, khi đã ly hôn và có quyết định/ bản án của tòa án tuyên về việc trao quyền trực tiếp nuôi con cho bạn và chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nếu bản án/quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị thì sau thời hạn quy định bản án/ quyết định đó đã có hiệu lực thi hành.
Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Thông thường, việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ do người có nghĩa vụ cấp dưỡng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ này, nhưng cũng có nhiều trường hợp cha mẹ trốn tránh thực hiện cấp dưỡng, khiến cho việc chăm sóc và nuôi dạy con của người còn lại gặp nhiều khó khăn hơn.
2. Thời hiệu yêu cầu thi hành bản án/quyết định
Căn cứ Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008, thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định như sau:
Thời hiệu yêu cầu thi hành án
- Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Hiểu thêm rằng, thời hạn là một khoảng thời gian có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Đối với bản án/quyết định ly hôn thì thời hạn thường được ấn định bắt đầu bằng ngày/tháng/năm có kỳ hạn và kết thúc tại thời điểm con đủ 18 tuổi hoặc đã trưởng thành và có đủ khả năng tự lao động tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân mình.
Như vậy, trường hợp bản án/quyết định ly hôn có ấn định ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ thì thời hạn 05 năm thi hành án được tính từ ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng chứ không tính từ ngày bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật.
Đối với bản án, quyết định về việc cấp dưỡng được thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Cũng theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS: đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án đối với những nghĩa vụ đã đến hạn hoặc sẽ đến hạn trong năm thi hành án. Quá trình thi hành án, người phải thi hành án chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ đã đến hạn trừ trường hợp người có nghĩa vụ tự nguyện thi hành cả nghĩa vụ chưa đến hạn.
Để yêu cầu thi hành án, người trực tiếp nuôi con hoặc người giám hộ cho con phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng cho con và nộp tại Chi cục thi hành án cùng cấp có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án ra bản án, quyết định về cấp dưỡng.
3. Hướng dẫn thủ tục yêu cầu thi hành án cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Cơ quan có thẩm quyền
Để yêu cầu thi hành án, người trực tiếp nuôi con nộp hồ sơ yêu cầu thi hành án về việc cấp dưỡng sau ly hôn tại Chi cục thi hành án dân sự cùng cấp nơi có trụ sở Tòa án nhân dân đã ra bản án, quyết định đó.
Thành phần hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu thi hành án gồm
- Bản chính đơn yêu cầu thi hành án – Số lượng 01 (Mẫu số: D 04-THADS Ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp);
- Trích lục bản án hoặc quyết định của Tòa án có ghi nhận về cấp dưỡng – Số lượng 01;
- Bản sao các tài liệu, chứng cứ chứng minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang có tài sản để cấp dưỡng như: bảng lương, tài sản như bất động sản, tiền gửi tiết kiệm…
Trình tự thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu thi hành án
Người yêu cầu thi hành án chuẩn bị hồ sơ đầy đủ.
Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu thi hành án
Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau đây:
- Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự;
- Gửi đơn qua bưu điện.
Bước 3: Tiếp nhận yêu cầu
Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn.
Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
Bước 4: Ra quyết định thi hành án
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.
Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.
Bước 5: Phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó.
Bước 6: Xác minh điều kiện thi hành án
Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự 2008. Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
Bước 7: Thông báo về việc thi hành án
Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
- Niêm yết công khai;
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
Bước 8: Tự nguyện thi hành án
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Bước 9: Cưỡng chế thi hành án
Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này (15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án), người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008 về đơn yêu cầu thi hành án gồm các nội dung chính sau
a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.
Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.