Hỏi:
Tôi và chồng cũ đã ly hôn xong và có bản án của tòa án về việc ly hôn và chia tài sản chung. Chúng tôi có tài sản chung gồm 01 thửa đất diện tích 525m2 và nhà ở cùng một số cây cối hoa màu trên đất. Tòa án đã tuyên án chia đôi giá trị tài sản chung kể trên, chồng cũ của tôi nhận hiện vật và thanh toán lại tiền mặt cho tôi số tiền 2 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thời gian qua, chồng cũ của tôi đã không thực hiện việc thanh toán này và thường xuyên trốn tránh khi tôi liên hệ đòi tiền. Tôi xin hỏi có thể làm gì để bắt anh ta phải thanh toán lại tiền cho tôi?
Trả lời:
1. Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Chiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật hôn nhân & gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Trong trường hợp của bạn, đã được tòa án giải quyết chia đôi tài sản chung và chồng cũ của bạn là người nhận hiện vật, còn bạn được nhận phần giá trị thành tiền tương ứng với ½ giá trị tài sản.
2. Hiệu lực của bản án ly hôn, chia tài sản
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để đảm bảo tính có hiệu lực của bản án/quyết định của tòa án, theo đó quy định cụ thể:
Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
- Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo tiến độ, kết quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời cho Tòa án.
Như vậy, khi đã có bản án có hiệu lực của tòa tuyên về việc ly hôn, chia tài sản chung thì khi ra bản án, quyết định, Toà án cũng phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án (căn cứ theo Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2008 về hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự). Việc thi hành án dân sự là quá trình tiếp nối với xét xử làm cho bản án, quyết định có hiệu lực được chấp hành trên thực tế.
Đương sự có quyền, nghĩa vụ về tài sản được tuyên trong bản án có thể tự thỏa thuận với nhau về việc thực hiện các nghĩa vụ trong bản án đã tuyên. Nhà nước luôn khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận được, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành tham gia giải quyết buộc đối phương phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Do đó, trong trường hợp của bạn, khi người chồng cũ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thanh toán lại phần giá trị tài sản của bạn thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án này.
3. Thời hiệu yêu cầu thi hành bản án
Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Căn cứ Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008, thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định như sau:
“Thời hiệu yêu cầu thi hành án
- Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
Như vậy, nếu không nằm trong trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 30 kể trên thì thời hiệu yêu cầu thi án được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của luật này. Theo đó:
- Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án ly hôn, chia tài sản có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án;
- Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án ly hôn thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn;
- Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Do đó, đối chiếu với ngày bản án ly hôn, chia tài sản của bạn có hiệu lực pháp luật thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày ngày bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp trong bản án có ấn định cụ thể thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày được ấn định đó.
Để yêu cầu thi hành án, bạn phải nộp hồ sơ yêu cầu thi hành bản án và nộp tại Chi cục thi hành án huyện hoặc Cục thi hành án tỉnh có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án ra bản án về việc ly hôn, chia tài sản.
4. Hướng dẫn thủ tục yêu cầu thi hành án bản án ly hôn, chia tài sản
Cơ quan có thẩm quyền
Chi cục thi hành án dân sự cùng cấp nơi có trụ sở Tòa án nhân dân đã ra bản án, quyết định đó.
Hồ sơ yêu cầu thi hành án gồm
- Bản chính đơn yêu cầu thi hành án – Số lượng 01 (Mẫu số: D 04-THADS Ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp);
- Trích lục bản án hoặc quyết định của Tòa án có ghi nhận về ly hôn, chia tài sản;
- Tài liệu chứng minh người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án như: bảng lương, tài sản như bất động sản, tiền gửi tiết kiệm…
Trình tự thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu giấy tờ đầy đủ.
Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu thi hành án
Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự;
b) Gửi đơn qua bưu điện.
Bước 3: Tiếp nhận yêu cầu
Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn.
Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
Bước 4: Ra quyết định thi hành án
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.
Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.
Bước 5: Phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó.
Bước 6: Xác minh điều kiện thi hành án
Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự 2008. Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
Bước 7: Thông báo về việc thi hành án
Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết công khai;
c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
Bước 8: Tự nguyện thi hành án
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Bước 9: Cưỡng chế thi hành án
Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này (15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án), người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Xem thêm
Thi hành bản án về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Quy định pháp luật về phân chia, chuyển giao tài sản đối với vật cùng loại và vật đặc định
Quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn được phân chia theo quy định của pháp luật hiện hành