Căn cứ Khoản 2, Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Căn cứ Điều 116, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về mức cấp dưỡng được quy định như sau:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cũng tại Điều 117 của luật này quy định về phương thức cấp dưỡng
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, mức cấp dưỡng nuôi con dựa trên thu nhập thực tế và thỏa thuận giữa 2 bên, chưa có một quy định cụ thể về mức tối thiểu phải cấp dưỡng hằng tháng là bao nhiêu. Điều này dẫn đến nhiều tranh chấp phát sinh trong quá trình thi hành án và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.
Sắp tới đây có thể sẽ có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con hằng tháng. Cụ thể là Dự thảo 2022/NQ-HĐTP về Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình
Trong đó có Điều 6, Dự thảo 2022/NQ-HĐTP về Cấp dưỡng nuôi con
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thìTòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sởvàkhông được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.
Nếu quy định này được thực thi trong thời gian sắp tới thì sẽ dễ có căn cứ để xác định cụ thể mức cấp dưỡng hơn, hạn chế được những tranh chấp sau ly hôn trong thực tiễn.