Trong thực tiễn, việc thừa kế không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ mà còn có nhiều tình huống phức tạp. Để hiểu rõ hơn về quyền thừa kế cũng như các trường hợp không được hưởng thừa kế như: Truất quyền thừa kế hoặc Tước quyền thừa kế hiểu rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm trên.
Quyền thừa kế được quy định tại Điều 609, Bộ Luật dân sự 2015: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”
Tuy vậy, không phải cá nhân, tổ chức nào cũng được quyền hưởng thừa kế do người chết để lại. Đặc biệt là 2 trường hợp: Bị truất quyền thừa kế và bị Tước quyền thừa kế.
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/themes/flatsome/assets/img/lazy.png)
Truất quyền thừa kế là gì? Khi nào thì bị truất quyền thừa kế?
Truất quyền là một hành động xóa bỏ quyền của một người, truất quyền thừa kế có thể hiểu là việc không cho nhận thừa kế. Quyền thừa kế là một quyền lợi về tài sản gắn với nhân thân của một cá nhân, tuy nhiên vì những lý do phát sinh trong cuộc sống khiến người chủ sở hữu tài sản (người lập di chúc) không muốn cho cá nhân này hưởng phần di sản của mình. Hậu quả pháp lý của việc bị truất quyền thừa kế là cá nhân bị truất quyền hưởng di sản sẽ không được thừa kế dù họ có đầy đủ các điều kiện để hưởng di sản theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định về Quyền của người lập di chúc Khoản 1, Điều 626, Bộ Luật Dân sự 2015 thì người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Quy định này nhằm bảo vệ quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản, kể cả khi họ đã mất đi thì phần tài sản đó vẫn được đảm bảo thực hiện theo đúng mong muốn của họ. Nguyên nhân của việc bị truất quyền thừa kế thường xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình hoặc do cá nhân bị truất quyền có những hành vi trái với đạo đức, xâm phạm đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng… của chủ sở hữu tài sản. Ví dụ: con cái ngược đãi cha mẹ, không chăm sóc cha mẹ khi đau ốm…
Hình thức của truất quyền thừa kế thường được biểu hiện thông qua nội dung di chúc mà người lập di chúc làm, trong các nội dung đó sẽ chỉ định cụ thể người được hưởng thừa kế và người bị truất quyền hưởng thừa kế.
Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp người chết có lập di chúc với nội dung truất quyền thừa kế của cá nhân đó thì mới có căn cứ để truất quyền thừa kế của người này. Trong trường hợp người chết không để lại di chúc, di sản được chia theo pháp luật thì cá nhân thuộc hàng thừa kế theo pháp luật đều có quyền được hưởng phần thừa kế của mình.
Tước quyền thừa kế là gì? Khi nào thì bị tước quyền thừa kế?
Tước quyền thừa kế được hiểu là tước bỏ đi quyền lẽ ra được hưởng di sản của một cá nhân, được xem là một hình phạt của pháp luật thông qua việc tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của một người nhằm giáo dục, trừng trị họ. Khi có các căn cứ cho rằng cá nhân này không đủ các điều kiện về phẩm chất đạo đức (theo tập quán địa phương) như có các hành vi lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản người để lại di chúc chia cho mình phần nhiều hơn, hoặc làm giả mạo di chúc, hoặc có các hành vi bạo hành, ngược đãi người để lại di sản và đã bị kết án về hành vi đó… thì sẽ bị pháp luật tước quyền thừa kế.
Căn cứ Điều 621, Bộ Luật Dân sự 2015 về Người không được quyền hưởng di sản thì những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên, trong trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì cá nhân này vẫn sẽ có quyền được hưởng di chúc, không bị tước quyền đi.
Chủ thể có thể thực hiện việc tước quyền thừa kế của một cá nhân là Nhà nước – nhân danh nhân dân để thực hiện. Tước bỏ quyền thừa kế sẽ được áp dụng trong trường hợp chia thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật, chỉ trừ trường hợp người lập di chúc vẫn muốn cho cá nhân đó được hưởng di sản thì quyền thừa kế sẽ không bị tước đi.