Hỏi:
Chào luật sư, tôi và vợ tôi đã ly hôn. Chúng tôi có một con chung 2 tuổi. Vợ tôi được quyền nuôi con và hiện đang sống cùng gia đình ngoại. Hàng tháng tôi vẫn chu cấp đầy đủ tiền cho con theo thỏa thuận. Tuy nhiên, mỗi lần tôi muốn đón con về chơi với ông bà nội vài ngày thì bố vợ cũ viện cớ để không cho đón cháu về nhưng vẫn cho tôi thăm con thoải mái. Vậy tôi xin hỏi luật sư, gia đình bên ngoại tôi làm vậy có đúng không? Tôi phải làm thế nào để được quyền đón cháu về chơi với ông bà nội?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Cũng chiếu theo khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:
“Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Như vậy, việc được thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn là một quyền được của bạn được pháp luật bảo hộ và đảm bảo thực hiện. Không ai có quyền ngăn cấm, cản trở bạn thực hiện các quyền này đối với con mình trừ khi có quyết định của tòa án tuyên bố về việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên (được quy định trong các trường hợp tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Theo điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
“Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;”
Do đó, nếu việc đưa cháu về thăm ông bà bên nội chơi vài ngày là một quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con. Đây là một quyền chính đáng và không ai được cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các quyền này. Trong trường hợp đó, bạn có thể thỏa thuận với bên ngoại về việc thăm nom, đưa đón cháu về thăm nội cũng nhằm mục đích giúp cháu được gắn kết tình thương với người thân của mình. Tuy nhiên, nếu hai bên vẫn không đạt được sự thỏa thuận, phía bên ngoại có các hành vi ngăn cản cháu được gặp gỡ với gia đình nội với các biểu hiệu rõ ràng bằng hành động, lời nói… thì bạn có thể lưu giữ lại các hành vi này bằng hình ảnh, âm thanh hoặc lời khai người làm chứng… để làm bằng chứng chứng minh cho hành vi bạo lực gia đình để trình đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu can thiệp giải quyết.
Chiếu theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Xem thêm
Thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn
Cuộc chiến đòi tiền nuôi con hậu ly hôn
Hậu ly hôn, vướng mắc chia tài sản chung do mất liên lạc với vợ/chồng cũ
Hậu ly hôn không một lời nói xấu nhau