Ly hôn tưởng chừng là sự kết thúc của khó khăn, nhưng ly hôn không đúng cách, hệ lụy “hậu ly hôn” lại là một “cuộc chiến” nan giải kéo dài.
Sau đây ANSG LAW tổng hợp những vấn đề khó khăn sau khi ly hôn nhiều người thường gặp phải

1. Tranh chấp quyền nuôi con vẫn tiếp diễn
Mặc dù đã có phán quyết từ tòa án về việc giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, nhưng trên thực tế không diễn ra suông sẻ theo bản án.
Đơn cử các trường hợp người vợ được tòa giao quyền nuôi con trực tiếp trong bản án, nhưng người chồng cố tình giữ con không thi hành theo phán quyết của tòa. Hoặc trường hợp người chồng được quyền nuôi con nhưng không trực tiếp nuôi mà giao cho ông bà nội nuôi dưỡng thay, người vợ kiện lên tòa yêu cầu thay đổi người nuôi con…
Nhiều người vướng phải các khó khăn tranh giành lại quyền nuôi con và yêu cầu thay đổi người nuôi con. Trong thực tế, có người đã giành được quyền nuôi con nhưng trong quá trình sống chung với con, nhiều quyền lợi của con không được bảo đảm. Do đó bên còn lại sẽ tìm cách chứng minh các điều kiện nuôi con của người hiện tại không đảm bảo, nhằm yêu cầu tòa thay đổi người nuôi con.
2. Tranh chấp thi hành án
Đây có lẽ là vấn đề thường xuyên xảy ra trong các vụ việc hậu ly hôn. Đó là việc chấp hành thi hành theo đúng bản án của tòa khá khó khăn. Điển hình là các trường hợp:
– Về cấp dưỡng nuôi con: Có không ít trường hợp người vợ/chồng thoái thác nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, phủi bỏ mọi trách nhiệm làm cha mẹ, không quan tâm đến việc sinh sống của con cái khi con không còn sống chung với mình nữa.
– Về phân chia tài sản: tranh chấp nhà, tranh chấp đất,… vẫn tiếp do một bên không chịu thi hành theo bản án;
– Về nghĩa vụ thanh toán nợ: mặc dù được phán quyết chia đều nghĩa vụ trả nợ, nhưng nhiều người vẫn lẫn trốn, trốn tránh thực hiện, quỵt nợ,… khiến người còn lại phải chịu nhiều thiệt hại, tổn thất.
3. Mâu thuẫn trong việc thăm nom, chăm sóc con cái
Cuộc sống chung không còn tiếp diễn, kéo theo đó là những thay đổi trong lối sống, sinh hoạt, giờ giấc hay thậm chí là chỗ ở… Những điều đó phần nào không thuận tiện cho hai bên trong việc đưa đón và thăm nom con. Hay các khó khăn chủ quan do chính những người trong cuộc tạo ra, vì hận thù, vì tức giận… mà nhiều người cản trở, cấm đoán đối phương gặp con.
Ví dụ:
Nhiều trường hợp vợ chồng ly hôn, người vợ dắt con sang thành phố khác sinh sống, người chồng vì gặp bất tiện hơn trong việc thăm nom con, nên nảy sinh mâu thuẫn và kiện tụng tranh chấp lại quyền nuôi con.
4. Đòi thay đổi họ, không cho con nhận bố
Không ít trường hợp sau ly hôn, vì sự tổn thương của bản thân mà nhiều người phụ nữ quyết định “tước đi quyền làm bố” của người chồng cũ. Họ mong muốn làm các thủ tục hành chính xóa tên cha ra khỏi khai sinh, thay đổi họ của cha sang họ của mẹ nhằm đảm bảo chỉ còn sự hiện diện của mẹ.
Có thể nói, bước ra một cuộc hôn nhân đau khổ đã là một việc khó, nhưng chuyện khó sẽ không dừng lại ở thời điểm ly hôn. Bởi kéo theo sau đó là những mâu thuẫn chồng chất, những cuộc tranh chấp tiếp diễn không hồi kết. Người lớn đau đầu xử lý hỗn độn, trẻ thơ đau lòng nhận những tổn thương.