Cần xem xét 2 tình trường hợp:
– TRƯỜNG HỢP 1: đứa con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ
Theo khoản 2 Điều 99, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật dân sự.
Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết (cha mẹ của bé) thì trẻ sẽ được giao cho người giám hộ nuôi dưỡng
Căn cứ Điều 52, Bộ Luật Dân sự 2015 về Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
– TRƯỜNG HỢP 2: con đã được giao cho bên nhờ mang thai hộ
Căn cứ Điều 94, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra, vì vậy người mang thai hộ không có trách nhiệm như cha mẹ của đứa con kể từ ngày giao con cho bên nhờ mang thai hộ.
Trong Luật Hôn nhân và gia đình không quy định về việc người mang thai hộ phải chịu trách nhiệm với đứa con sau khi giao cho người nhờ mang thai hộ.
Vì vậy, khi người nhờ mang thai hộ mất thì người mang thai hộ không đương nhiên trở thành mẹ của đứa trẻ.
– Người mang thai hộ muốn trở thành mẹ đứa trẻ thì phải làm thủ tục nhận con nuôi;
– Người mang thai hộ không muốn nuôi đứa trẻ thì bé sẽ được giao cho người giám hộ nuôi theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.