Hỏi:
Ông nội tôi có lập một bản di chúc để lại tài sản cho 2 người con là bố tôi và cô tôi. Hôm qua ông nội tôi đến xã để công chứng bản di chúc, gặp ca trực của cô tôi là công chứng viên ở xã, ở đó người ta bảo cô tôi không được thực hiện công chứng, chứng thực di chúc cho ông nội tôi, xin hỏi việc cô tôi không thể công chứng, chứng thực di chúc của ông nội tôi có đúng không? Nếu ông nội tôi ủy quyền cho tôi đi công chứng di chúc của ông có được không?
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/10/308624013_186029277256994_86781681744749060_n.jpg)
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người không được công chứng chứng thực di chúc như sau:
“Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.”
Thêm vào đó quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng 2014 quy định về hành vi bị nghiêm cấm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng bao gồm:
“c) Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;”
Như vậy trong trường hợp này, cô bạn là người thừa kế theo di chúc nên không được thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc theo quy định của pháp luật.
Về việc có được ủy quyền công chứng, chứng thực di chúc hay không, căn cứ Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng chứng thực di chúc như sau:
“1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.”
Như vậy theo quy định trên người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc. Do đó, về mặt pháp lý ông bạn không thể ủy quyền cho bạn thực hiện công chứng chứng thực di chúc.