Hỏi:
Tôi đang là người giám hộ cho cháu ruột của mình, cháu 10 tuổi, cha mẹ cháu đã mất do tai nạn giao thông. Hiện tài sản cha mẹ cháu để lại là 1 căn nhà và 1 khoản tiền tiết kiệm. Tôi có thể bán các tài sản này để có tiền nuôi dưỡng cháu được không? Vì hoàn cảnh tôi cũng khó khăn.
————-
![người giám hộ có được bán tài sản của người được giám hộ không](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/07/nguoi-giam-ho-co-duoc-ban-tai-san-cua-nguoi-duoc-giam-ho-khong-300x300.png)
Trả lời:
Căn cứ Điều 55, Bộ Luật Dân sự 2015 về Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi
1. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.
2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
3. Quản lý tài sản của người được giám hộ.
4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Dựa vào khoản 3, Điều 55, Bộ Luật Dân sự 2015 thì người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ chứ không có quyền sở hữu tài sản đó. Nhưng người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, bao gồm các việc mua bán tài sản.
Tuy nhiên, Căn cứ Điều 58, Bộ Luật Dân sự 2015 về Quyền của người giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Như vậy, người giám hộ có thể sử dụng các tài sản mà mình đang quản lý phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ. Trong đó, nhu cầu sinh sống, ăn học, chi phí sinh hoạt được xem là những nhu cầu thiết yếu.
Căn cứ Khoản 1, Điều 59, Bộ Luật Dân sự 2015 về Quản lý tài sản của người được giám hộ: Người giám hộ của người chưa thành niên có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Như vậy, để đảm bảo các giao dịch mua bán, sử dụng các tài sản này được hợp pháp thì bạn cần lưu giữ lại các giấy tờ hóa đơn, chứng từ để chứng minh việc mua bán và sử dụng các tài sản này là đúng mục đích, vì lợi ích của bé.