![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/08/xac-dinh-cha-cho-con-2-300x300.png)
Mục đích xã hội
Hôn nhân là một hình thức hợp thức hóa mối quan hệ nam và nữ xét về mặt văn hóa. Lịch sử hình thành và phát triển của con người trải qua nhiều hình thái hôn nhân khác nhau, có văn hóa chấp nhận nhiều chồng, nhiều vợ cũng có văn hóa chỉ chấp nhận một chồng một vợ. Dù với hình thái văn hóa nào thì đều cho thấy, xã hội chấp nhận mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ, xem đó là mối quan hệ cam kết và có ràng buộc về quyền lẫn nghĩa vụ với nhau.
Mục đích của hôn nhân trên phương diện xã hội chính là tạo sự ổn định cho mối quan hệ nam và nữ. Bởi nếu không có mối quan hệ ổn định, nam và nữ tự do sinh con đẻ cái và không ràng buộc nhau sẽ dẫn đến một số hệ lụy xấu, chẳng hạn:
– Người đàn ông sẽ không có xu hướng chăm sóc và nuôi dưỡng, chu cấp cho vợ con của mình vì không có sự gắn bó, từ đó điều kiện sinh trưởng của những đứa trẻ sẽ khó khăn hơn;
– Việc nam và nữ có quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau sẽ dẫn đến việc khó xác định cha đẻ cho những đứa con được sinh ra. Điều này sẽ dấn đến nhiều hệ lụy giao phối cận huyết trong chính cộng đồng sinh sống gần kề.
– Khi nam và nữ không thiết lập một mối quan hệ có tính cam kết cao thì cộng đồng sinh sống sẽ không có sự liên kết chặt chẽ mà chỉ mang tính rời rạc và ngẫu nhiên, điều này không có lợi để cộng đồng đơn lẻ phát triển thành những nhóm cộng đồng lớn hơn.
———-
Mục đích pháp lý
Căn cứ vào điểm a.3, khoản a, Điều 8, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP về Căn cứ cho ly hôn (Điều 89) quy định về các mục đích của hôn nhân không đạt được, trong đó bao gồm các mục đích sau:
– Không có tình nghĩa vợ chồng;
– Không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng;
– Không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng;
– Không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng;
– Không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.”
Từ đó có thể nhận định mục đích hôn nhân mà pháp luật hướng đến là xây dựng gia đình vợ chồng bình đẳng, có tình nghĩa vợ chồng, tôn trọng nhau về uy tín, danh dự, tín ngưỡng, tôn giáo và hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển.
Hôn nhân được xác lập trên phương diện pháp lý sẽ giúp cho nam và nữ dễ xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình trong gia đình. Đồng thời cũng tạo ra một căn cứ quan trọng để giải quyết các tranh chấp khi ly hôn.
———-
Mục đích cá nhân
Có thể nói, mục đích và khát vọng lớn lao của mỗi cá nhân khi đi vào hôn nhân chính là mưu cầu hạnh phúc.
Bởi việc lựa chọn đối tượng để kết hôn không phải là sự gắn ghép ngẫu nhiên hay sắp đặt là mà sự lựa chọn có tính cảm xúc của mỗi cá nhân, con người luôn có xu hướng lựa chọn đối tượng mà mình yêu thương nhất để tiến đến hôn nhân.
Và trên hết, đây cũng là mục đích quan trọng mang tính chất là “linh hồn” cho một cuộc hôn nhân. Khi vợ và chồng cùng yêu thương nhau, cùng mong muốn xây dựng hạnh phúc với nhau thì những yếu tố khác cũng trở nên dễ dàng xử lý.
Nhưng khi mục đích của hôn nhân không đạt được, vợ và chồng không có mong muốn xây dựng hạnh phúc cùng nhau thì bản chất của một cuộc hôn nhân đang tan vỡ. Tình trạng này kéo dài càng lâu sẽ càng khiến cho mối quan hệ rơi vào bế tắc, đời sống chung khó có thể tiếp tục.