Khi các bên liên quan đến vấn đề chia tài sản thừa kế không thể đạt được thỏa thuận về việc chia di sản thừa kế, dẫn đến tranh chấp di sản thừa kế, khi đưa ra tòa án giải quyết tranh chấp này thì vấn đề nhiều người quan tâm chính là mức án phí phải nộp khi khởi kiện chia thừa kế là bao nhiêu?
![MỨC ÁN PHÍ DÂN SỰ PHẢI NỘP KHI KHỞI KIỆN CHIA DI SẢN THỪA KẾ](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/08/MUC-AN-PHI-DAN-SU-PHAI-NOP-KHI-KHOI-KIEN-CHIA-DI-SAN-THUA-KE.png)
Hiện nay, mức thu lệ phí, án phí dân sự được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Đối với các vụ kiện chia di sản thừa kế thì án phí dân sự sơ thẩm được xác định theo mức án phí có giá ngạch.
- Án phí dân sự có giá ngạch:
Được áp dụng với các vụ án mà trong đó có yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể. Theo đó:
- Giá trị tài sản từ 6.000.000 đồng trở xuống thì giá ngạch án phí là 300.000 đồng;
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì giá ngạch án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng thì giá ngạch án phí là 20000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng thì giá ngạch án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng thì giá ngạch án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;
- Từ trên 4.000.000.000 đồng thì giá ngạch án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Đối với các vụ kiện chia di sản thừa kế thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia trong khối di sản thừa kế. Chiếu theo khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định như sau:
“7. Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch”
Cần lưu ý rằng, để tòa án thụ lý yêu cầu khởi kiện thì người khởi kiện có nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng án phí trước. Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định như sau:
“Điều 7. Mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án
2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án dân sự bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.”
Như vậy, người khởi kiện sẽ đóng tạm ứng án phí trước 50% tiền án phí, tương đương với phần giá trị tài sản mà họ yêu cầu được chia. Sau đó, đến khi có bản án, quyết định của Tòa án về việc phân định phần giá trị di sản thừa kế mà họ được nhận là bao nhiêu thì họ có nghĩa vụ đóng án phí tương ứng với phần mà mình được hưởng.
Ví dụ:
Ông A có 2 người con là B và C. Ông A mất không có di chúc, để lại khối tài sản trị giá 5 tỷ đồng. Anh B và anh C không tự thỏa thuận được việc phân chia di sản của bố, mỗi người đều muốn giành phần nhiều hơn. Do đó anh B khởi kiện ra tòa án yêu cầu tòa án phân chia di sản thừa kế của bố mình. Anh B yêu cầu được chia 60% khối tài sản (tương đương 3 tỷ đồng) và chia cho anh C phần còn lại (tương đương 2 tỷ đồng).
Theo quy định về việc đóng tạm ứng án phí thì anh B yêu cầu được chia tạm tính là 3 tỷ đồng, chiếu theo mức án phí có giá ngạch từ trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng thì giá ngạch án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2 tỷ đồng. Ta có:
72.000.000 đồng + ((3.000.000.000 – 2.000.000.000) x 2%) đồng = 92.000.000 đồng
Tiền tạm ứng án phí là 50% của 92.000.000 đồng tức là: 92.000.000 đồng x 50% = 46.000.000 đồng
Như vậy, anh B phải đóng tạm ứng án phí 46 triệu đồng cho yêu cầu chia 3 tỷ trong khối di sản thừa kế của bố.
Tuy nhiên sau đó, bản án của Tòa án đã quyết định chia phần cho anh B và anh C mỗi phần bằng nhau, chia như sau: anh B: 50% (tương ứng 2,5 tỷ), anh C: 50% (tương ứng 2,5 tỷ).
Lúc này, tiền án phí dân sự mỗi người phải đóng sẽ là:
-
Anh B nhận 2,5 tỷ, thì đóng theo mức giá ngạch là 72.000.000 đồng + ((2.500.000.000 – 2.000.000.000) x 2%) đồng = 82.000.000 đồng. Nhưng trước đó do anh B đã đóng tạm ứng án phí là 46.000.000 đồng nên anh B còn phải đóng thêm 36.000.000 đồng)
-
Anh C nhận 2,5 tỷ, thì đóng theo mức giá ngạch là 72.000.000 đồng + ((2.500.000.000 – 2.000.000.000) x 2%) đồng = 82.000.000 đồng.
Xem thêm:
Các quy định về việc chia thừa kế
![Bìa khóa học hôn nhân](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/07/Bia-khoa-hoc-hon-nhan-300x150.png)