Mẹ chưa đủ 18 tuổi làm giấy khai sinh cho con được không?
![Me chua du 18 tuoi lam khai sinh cho con duoc khong](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/02/me-chua-du-18-tuoi-khai-sinh-cho-con-duoc-khong-1-1024x1024.png)
Không hiếm gặp các trường hợp người mẹ chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) đã sinh con. Vậy, khi người mẹ chưa đủ 18 tuổi sinh con có được đăng ký khai sinh cho trẻ như bình thường? Có vi phạm luật gì không?
Căn cứ quy định Khoản 1, Điều 30, Bộ Luật Dân sự 2015 về Quyền được khai sinh, khai tử thì “Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.”. Đồng thời điều này cũng được quy định chi tiết tại Điều 13, Luật trẻ em 2016 về Quyền được khai sinh và có quốc tịch, theo đó “Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, khai sinh là quyền lợi chính đáng của trẻ em, không phân biệt trẻ em được sinh ra trong hoàn cảnh nào, kể cả việc người mẹ chưa đủ 18 tuổi.
Làm Giấy khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi như thế nào?
Trường hợp khai sinh cho con bỏ trống tên cha: sẽ xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của bé theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.
Trường hợp khai sinh cho con để tên cha: cần phải làm thủ tục nhận cha con và sau đó đăng ký khai sinh cho con có tên cha.
Cụ thể, Căn cứ Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 của Bộ Tư pháp, thủ tục làm Giấy khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ 18 tuổi thực hiện như sau:
Bước 1: Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ chuẩn bị hồ sơ
Thành phần hồ sơ để nộp bao gồm:
- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định;
- Giấy chứng sinh;
– Nếu kết hợp thủ tục nhận cha con thì có thêm:
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là văn bản được cấp bởi cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên phải lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con. Trong đó có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Bước 2: Nộp giấy tờ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha (nếu thực hiện đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con).
Ngoài hồ sơ để nộp, người yêu cầu làm Giấy khai sinh còn cần đem theo các giấy tờ sau để xuất trình:
– Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/các giấy tờ khác có ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
– Trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thì cần có thêm giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, bao gồm: Hộ chiếu, giấy tờ đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh; văn bản xác nhận việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam của cơ quan công an có thẩm quyền.
Bước 3: Ủy ban nhân dân xã tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy khai sinh
Công chức xã tiếp nhận sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ và giấy tờ xuất trình.
Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu xét thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, lấy Số định danh cá nhân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cấp Giấy khai sinh cho người yêu cầu.
![☎](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/ta9/1.5/16/260e.png)
![✉](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/tbe/1.5/16/2709.png)
![📌](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t5/1.5/16/1f4cc.png)
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/02/Lien-he-Luat-su-Hon-nhan-va-Gia-dinh-ANSG-2.png)
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/02/Lien-he-Luat-su-Hon-nhan-va-Gia-dinh-ANSG-3.png)