Mang thai hộ là gì? Việc mang thai hộ ở Việt Nam hiện nay có được xem là hợp pháp hay không?
Mục lục:
Mang thai hộ là gì?
Mang thai hộ ở Việt Nam có hợp pháp không?
Mang thai hộ cần điều kiện gì?
Mang thai hộ ở Việt Nam có hợp pháp hay không
1. Mang thai hộ là gì?
Mang thai hộ là một phương pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiến muộn, đó là khi người phụ nữ khác mang thai và sinh ra một em bé cho một cặp vợ chồng (người nhờ mang thai hộ) khi họ có mong muốn có con nhưng không thể tự mình mang thai được. Quá trình mang thai hộ diễn ra bằng cách tạo ra phôi thai từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng hiếm muộn thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi thai được thụ tinh từ cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ mang thai hộ, và người này sẽ mang thai và sinh ra em bé.
Quá trình mang thai hộ sẽ diễn ra như sau:
– Bước 1: vợ chồng người nhờ mang thai hộ trải qua các bước trong thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để lấy trứng, tinh trùng vào tạo phôi;
– Bước 2: phôi được chuyển vào tử cung người mang thai hộ, nếu thành công sẽ tiếp tục bước 3;
– Bước 3: người mang thai hộ tiếp nhận được phôi thai, sẽ mang thai và sanh đẻ;
– Bước 4: sau khi em bé được sinh ra, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ tiếp nhận bé và thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng của cha mẹ.
Căn cứ quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 thì con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.
Pháp luật Việt Nam hiện nay ghi nhận 02 hình thức mang thai hộ đó là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.
2. Mang thai hộ ở Việt Nam có hợp pháp không?
Để tìm hiểu mang thai hộ tại Việt Nam có hợp pháp hay không, ta đi vào tìm hiểu hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại được pháp luật hiểu như thế nào.
– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Căn cứ quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 thì: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.”
– Mang thai hộ vì mục đích thương mại:
Căn cứ quy định tại khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 thì: “Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.”
Trong hai hình thức kể trên thì pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại bị nghiêm cấm theo điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Do đó, việc mang thai hộ được hiểu là một hành vi mang tính chất nhân đạo, nhằm giúp đỡ những người đang hiến muộn, vô sinh có cơ hội được có con. Bất kỳ hành vi mang thai hộ nào nhằm vào mục đích hưởng lợi ích về vật chất, kinh tế thì đều bị xem là hành vi phi nhân đạo, vì mục đích thương mại thì sẽ đều bị nghiêm cấm.
3. Mang thai hộ cần điều kiện gì?
Không phải việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nào cũng được pháp luật cho phép, mà phải đáp ứng đủ các điều kiện về mục đích của việc mang thai, chủ thể nhờ mang thai hộ, chủ thể mang thai hộ theo quy định của pháp luật về việc mang thai hộ.
Căn cứ quy định tại điều 95 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 thì điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Dựa trên các quy định trên, có thể thấy đối tượng nhờ mang thai hộ hiện nay được pháp luật bảo hộ là cặp vợ chồng bị vô sinh, còn đối với phụ nữ độc thân hoặc người đàn ông độc thân thì chưa được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Để biết thêm kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, ly hôn chia tài sản, giành quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn… bạn có thể tham gia khóa học kiến thức pháp luật hôn nhân & gia đình của ANSGLAW. Chủ động tiếp cận kiến thức tại nhà và được luật sư tư vấn pháp luật miễn phí 01 năm và 04 videos bài học đầu tiên miễn phí cho học viên đăng ký sớm. Xem chi tiết khóa học Xem thêm tại đây.