Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài khá phức tạp và khi ly hôn có yếu tố nước ngoài và đồng thời tranh chấp tài sản chung là bất động trên lãnh thổ Việt Nam còn phức tạp hơn. Vậy khi ly hôn có yếu tố nước ngoài đồng thời có tranh chấp về tài sản chung là bất động sản ở Việt Nam thì giải quyết tại đâu?
-
Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là gì?
Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân & gia đình 2014 thì
“Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Ở nước Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 127 Luật HN & GĐ 2014 về ly hôn có yếu tố nước ngoài
-
Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
-
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
-
Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Như vậy, có thể thấy, việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Đặc biệt, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
-
Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
Như vậy, đối với các trường hợp ly hôn, tranh chấp hôn nhân & gia đình có yếu tố nước ngoài nhưng có bất động sản ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án Việt Nam.
3. Xác định thẩm quyền của tòa án
3.1 Thẩm quyền tòa án giải quyết theo quốc gia
Căn cứ theo điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
-
Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
-
Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
-
Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
-
Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
Chiếu theo điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam như đề cập kể trên, đối với các trường hợp ly hôn, tranh chấp hôn nhân & gia đình có yếu tố nước ngoài nhưng có bất động sản ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án Việt Nam.
3.2 Thẩm quyền tòa án giải quyết theo cấp tòa án
Căn cứ quy định theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
1.Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
3.3 Thẩm quyền tòa án giải quyết theo lãnh thổ
Căn cứ quy định theo điểm a, b, c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Có thể hiểu, với yêu cầu ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn tòa án nhân dân nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên đều được. Đối với ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài thì tòa án có thẩm quyền là tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Cần lưu ý rằng, theo hướng dẫn của Công văn 212/TANDTC-PC 2019 kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử của Tòa án nhân dân tối cao về tranh chấp bất động sản khi ly hôn như sau:
“Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên căn cứ các quy định nêu trên thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.”
Tuy nhiên, chiếu theo điểm a, c, h, i khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này có quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu như sau: Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài nhưng nguyên đơn không xác định được nơi cư trú của bị đơn thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng mà nguyên đơn biết hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
Trong trường hợp ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài nhưng bị đơn đó không sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc đề giải quyết;
Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
Xem thêm
Đăng ký khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài thực hiện thế nào?
Xét xử lại vụ ly hôn yếu tố nước ngoài kéo dài gần 10 năm
Mất liên lạc với người chồng nước ngoài, giải quyết ly hôn như thế nào?