Hỏi:
Tôi và vợ cũ có 2 con: một trai, một gái. Con trai hiện nay 3 tuổi, con gái hiện nay 1 tuổi. Chúng tôi đã ly hôn được gần 1 năm và tòa án đã quyết định cho vợ tôi nuôi cả 2 con. Hiện nay tôi được biệt vợ cũ tôi đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và để 2 con ở nhà ông bà ngoại nuôi. Tôi muốn đón 2 con về nuôi nhưng ông bà ngoại ngăn cản. Tôi xin hỏi làm sao để giành lại quyền nuôi con?
![Làm sao để giành quyền nuôi con sau ly hôn vì vợ đi xuất khẩu lao động](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/08/Lam-sao-de-gianh-quyen-nuoi-con-sau-ly-hon-vi-vo-di-xuat-khau-lao-dong.png)
Trả lời:
Giành quyền nuôi con sau ly hôn hay thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn là một trong những vấn đề hậu ly hôn phổ biến hiện nay. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi ly hôn, quyền nuôi con sẽ được tòa án quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dựa trên các yếu tố như:
- Đảm bảo các quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ;
- Điều kiện kinh tế, điều kiện tinh thần tốt;
- Tình cảm và mối quan hệ gần gũi của cha mẹ đối với con;
- Bên cạnh đó còn có các yếu tố về điều kiện giáo dục, chăm sóc, đạo đức, lối sống lành mạnh hay môi trường sống, điều kiện sinh sống nhằm đảm bảo trẻ được học tập, giải trí, sinh trưởng tốt.
Đặc biệt trẻ dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con (khoản 3 Điều 81 Luật HN&GĐ 2014).
Trong trường hợp của bạn, tại thời điểm ly hôn, người mẹ có đủ các điều kiện kể trên thì được tòa án ưu tiên trao quyền trực tiếp nuôi con.
Tuy nhiên, hiện nay, như bạn đã thông tin, việc người mẹ đi xuất khẩu lao động sẽ làm thay đổi điều kiện nuôi dưỡng con cái. Bởi vì người mẹ không thể trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nữa, do điều kiện về vị trí địa lý xa cách. Chiếu theo khoản 2 Điều 84 Luật HN&GĐ 2014 về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, phương án thứ nhất, bạn có thể liên hệ với vợ cũ của mình để thỏa thuận thay đổi người nuôi con một cách thiện chí. Nếu đối phương không đồng ý, bạn có thể thực hiện tiếp phương án thứ hai, đó là khởi kiện ra tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
Nếu bạn có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con tốt hơn vợ cũ, bạn có thể nộp đơn yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn lên tòa án. Ngoài việc chứng minh điều kiện nuôi con của mình, bạn cũng cần cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh vợ cũ không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, thường xuyên đi làm xa nhà không thể chăm sóc con, thu nhập không ổn định ….
Để có thể giành được quyền nuôi con, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và các bằng chứng chứng minh rằng mình có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con tốt hơn người mẹ. Những giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
- Bản án/ Quyết định ly hôn (bản sao);
- Căn cước công dân (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
- Các tài liệu, giấy tờ chứng minh người vợ cũ không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con;
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện kinh tế, thu nhập của bản thân và các giấy tờ khác có liên quan;
Xem thêm
Thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn
Ly hôn, vợ đòi chia đều tài sản cho cả con cái, có được không?
2 Trường hợp cha mẹ có thể bị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn