Không cho ly hôn để bảo vệ danh dự của con cái? Vụ việc được ghi nhận tại bản án ly hôn giữa một cặp vợ chồng ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Nguồn án tóm tắt:
1. Bản án sơ thẩm số 116/2022/HNGĐ-ST của TAND Tp Tuy Hòa;
2. Bản án phúc thẩm số 07/2023/HNGĐ-PT của TAND tỉnh Phú Yên.
Theo đó, bản án sơ thẩm số 116/2022/HNGĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thể hiện rằng:
Người chồng là ông Nguyễn Xuân P (sinh năm 1959) và vợ là bà Phùng Thị Kim P (sinh năm 1964), đã kết hôn tự nguyện năm 1998, có đăng ký kết hôn ngày 15/5/1998 tại xã Hòa Kiến, thị xãTuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa).
Về con chung: có 02 người con chung cháu Nguyễn Phùng Thu T (1996) và cháu Nguyễn Phùng Đông H (1998).
Quá trình chung sống vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn do bất đồng quan điểm, hai bên xúc phạm nhau, nên tình cảm càng phai nhạt. Năm 2017 vợ chồng sống ly thân, ông P đã về quê sinh sống tại nhà của cha mẹ đẻ. Đến năm 2022, ông P đệ đơn lên tòa án yêu cầu được ly hôn với bà P, do nhận thấy tình cảm không còn.
Ngoài việc ly hôn, ông P không yêu cầu gì thêm, vì con cái đã trưởng thành nên không cần thỏa thuận việc nuôi dưỡng và cũng không có tài sản chung hay nợ chung.
Tuy nhiên, về phía bà Phùng Thị Kim P không đồng ý ly hôn. Vì bà cho rằng vợ chồng có mâu thuẫn nhưng không lớn. Và bà lo ngại các con chuẩn bị lập gia đình, nếu vợ chồng ly hôn sẽ ảnh hưởng đến danh dự của các con. Do đó bà nhất quyết không ly hôn.
Tại bản án sơ thẩm số 116/2022/HNGĐ-ST, tòa án nhận thấy quan hệ vợ chồng còn khả năng hàn gắn, áp dụng các Điều 51, Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83 của Luật Hôn nhân và Gia đình nên không chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông P.
Tháng 10 năm 2022, ông P đã làm đơn kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm. Tại bản án phúc thẩm số 07/2023/HNGĐ-PT thể hiện rằng ông vẫn tiếp tục yêu cầu được ly hôn với bà Kim P. Ông trình bày rằng mâu thuẫn đã rất trầm trọng, thậm chi khi ly thân vợ chồng vẫn gây sự, chính quyền đã can thiệp. nếu không cho ly hôn thì có thể gây ra hậu quả xấu.
Tuy nhiên, bà Kim P vẫn giữ nguyên ý kiến của mình, bà không đồng ý ly hôn với ông. Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ từ hồ sơ vụ án và lắng nghe quan điểm của các bên. Hội đồng xét xử đưa ra nhận định: Trong đơn xin ly hôn ông P đã trình bày trước đây vợ chồng thường mâu thuẫn, chởi bới nhau, đánh nhau, có thời gian ly thân vào năm 2017 và bị đơn bà P cũng đã làm đơn xin ly hôn đến Tòa án nhưng sau đó lại rút đơn. Như vậy mâu thuẫn giữa ông P và bà P đã kéo dài, tình trạng hôn nhân đã trầm trọng, đời sống chung không còn, nên ông P cho rằng mục đích hôn nhân không đạt được để xin ly hôn là có căn cứ. Xét lý do bà P đưa ra để không chấp nhận ly hôn với ông P là nếu ly hôn sẽ ảnh hưởng đến danh dự và tâm lý của con, chứ không phải vì tình cảm vợ chồng mà cố gắng để hàn gắn nối quan hệ hôn nhân với ông P.
Do đó, tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông P và Bản án phúc thẩm này có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Từ bản án trên, có thể thấy, việc chấm dứt quan hệ hôn nhân không đơn giản chỉ là một lá đơn hay một yêu cầu gửi tòa án là có thể chấm dứt được. Tòa án sẽ dựa trên những chứng cứ, lập luận mà đương sự cung cấp là có cơ sở, có căn cứ để xem xét và quyết định. Pháp luật Việt Nam luôn khuyến khích xây dựng một gia đình hạnh phúc và ấm no, trên tinh thần đó tòa án cũng rất thận trọng khi đưa ra một phán quyết cho ly hôn. Nhưng việc tạo dựng một gia đình phải xuất phát từ tình cảm và thiện chí gắn bó từ cả hai phía vợ và chồng thì mới mang giá trị bền vững, chứ không phải xuất phát từ việc bảo vệ danh dự, uy tín cho con cái hay thể diện của gia đình.

