Hỏi:
Tôi và một người đàn ông có con với nhau nhưng không kết hôn, con chúng tôi hiện đã 5 tuổi. Bố của con có làm thủ tục nhận con và hứa sẽ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3 triệu đồng. Nhưng từ khi sinh con ra đến nay đã 5 tuổi, anh ta không chu cấp như lời anh ta hứa. Hiện tại cuộc sống của mẹ con tôi khá khó khăn. Xin hỏi trong trường hợp này thì giải quyết như nào?
——————
Trả lời:
Căn cứ Khoản 24, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của người làm cha, làm mẹ dành cho con, bất kể người con đó được sinh ra trong thời kì hôn nhân hay con ngoài giá thú, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình (căn cứ Điều 39, Bộ Luật Dân sự 2015 về Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình).
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cũng được quy định tại Điều 110, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
———–
Xử lý vi phạm không cấp dưỡng như thế nào?
– Xử lý phạt hành chính
Quy định về xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con:
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 57, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng thì Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
– Xử lý hình sự:
Trong trường hợp cố tình trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”