Lựa chọn ly hôn với vợ chồng không bao giờ là điều dễ dàng, có thể nói đây là một trong những lựa chọn lớn nhất trong đời sống tình cảm của một con người. Nếu bạn vẫn đắn đo không biết khi nào quyết định ly hôn là chính xác? Bài viết này có thể là giải pháp mà bạn đang tìm kiếm.
Hôn nhân rạn nứt chưa hẳn là dấu chấm hết cho cuộc tình, nhưng hôn nhân không được chỉnh sửa mới chính là đoạn kết bi thương cho cả hai. Ly hôn là một quyết định quan trọng, hãy đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định này ở trạng thái sáng suốt và bình an nhất. Bởi sự tổn thương và thiếu minh mẫn có thể khiến bạn nóng vội đưa ra các quyết định sai lầm, bạn có thể phải gánh chịu những hậu quả tâm lý nặng nề sau khi ly hôn. Sau đây là những “báo động đỏ” cho thấy cuộc hôn nhân nên kết thúc.
- Bạn thường xuyên nghĩ về cuộc sống không có đối phương
Người chồng hoặc người vợ đã từng là người mà bạn đã lựa chọn đi cùng nhau đến suốt cuộc đời, nhưng hiện tại họ cũng chính là người bạn không muốn nhìn thấy trong suốt phần đời còn lại. Nếu bạn đã từng nghĩ về cuộc sống không có họ nhiều hơn 5 lần hoặc một cách thường xuyên hơn thì đó là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn cần phải đưa ra lựa chọn cho cuộc hôn nhân này.
Cuộc sống không có người vợ/chồng của bạn có tốt hơn cuộc sống hiện tại hay không? Bạn đã sẵn sàng để độc lập mọi thứ (từ tài chính, con cái, cấp dưỡng, thăm nom, tâm lý của bạn và các con bạn hậu ly hôn)… Hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho cuộc sống sau ly hôn.
Nếu bạn vẫn còn mập mờ trong những suy nghĩ này, chưa rõ được con đường tương lai mình muốn chọn, mơ hồ về các nghĩa vụ sau ly hôn thì đừng vội đưa ra quyết định. Bởi cuộc sống hậu ly hôn còn rất nhiều sự khó khăn và thậm chí là nỗi đau đang chờ đợi phía trước.
- Xuất hiện các dấu hiệu bạo lực
Bạo lực là một trong những dấu hiệu xấu và tệ nhất trong một cuộc hôn nhân. Hôn nhân lẽ ra phải là cái nôi bảo vệ những thành viên, phải là nơi an toàn nhất của người vợ/chồng. Nhưng nơi đó lại chuyển hóa thành những cơn thịnh nộ bạo hành, không chỉ là sự tra tấn về thể xác mà còn là sự dày vò tinh thần. Khi sức khỏe và tính mạng của bạn và các con đang bị đe dọa thì rất khẩn cấp bạn phải đưa ra quyết định ly hôn nhanh chóng. Sự chịu đựng trước bạo hành không phải là hành động chỉnh sửa hôn nhân mà đó là hành động dung túng và chấp nhận bạo hành. Luật sư Khẩn Cấp ANSG Law luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc nguy cấp bạn cần.
![bạo lực gia đình](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/06/women_abuse-300x205.jpg)
- Thiếu sự tôn trọng nhau
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Viện Gottman về “bốn dự đoán về sự chia tay” (bốn kỵ sĩ của Gottman) thì một trong bốn hành vi được coi là dấu hiệu lớn nhất của việc ly hôn chính là là sự khinh thường. Sự thiếu tôn trọng hay thậm chí là khinh thường nhau thể hiện qua từng cử chỉ, hành động, lời nói thóa mạ, sỉ nhục, xúc phạm nhau, chế giễu nhau…
Sự khinh thường, thiếu tôn trọng đối phương xuất phát từ những ẩn uất đã tích tụ từ lâu bên trong mỗi người. Đó có thể là những cơn giận không được bộc lộ, là sự kỳ vọng của bản thân về đối phương nhưng không được thỏa mãn,… Họ có những nhu cầu ẩn ở bên trong nhưng không được đối phương đáp ứng nhu cầu đó, sự kéo dài của tình trạng này khiến cho hình ảnh của người chồng/vợ trong mắt họ trở nên méo mó, họ dồn nén những ẩn uất đó trong trạng thái “phòng thủ”. Và như một bản năng, sự “phòng thủ” bảo vệ bản thân sẽ khiến cho họ có hành vi “tấn công” đối phương, sỉ nhục và thóa mạ về nhau như một cách để “hạ bệ” đối phương và bảo toàn “cái tôi” của mình.
![Thiếu tôn trọng nhau](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/06/2-300x225.jpg)
Khi ở trạng thái thiếu kiềm chế, thật khó lòng để cả 2 có được tiếng nói chung. Nhưng đó chưa hẳn là một dấu hiệu buộc phải ly hôn vì nó chỉ là một trong những dấu hiệu xấu trong kết nối giữa 2 người. Bằng cách ngồi xuống và lắng nghe, bày tỏ mong muốn của mình thay vì cách phớt lờ đối phương, bạn có thể sẽ tìm được cách để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Sự khinh thường có thể được giải quyết, nhưng nếu nó kéo dài và cả 2 không thể thay đổi cách nhìn nhận về đối phương, không muốn cải thiện mối quan hệ nữa thì chính là lúc bạn nên có một lựa chọn quyết đoán.
- Không còn xuất hiện những điều lãng mạn
Nồng nàn và lãng mạn là những yếu tố cốt lõi của tình yêu, đó cũng chính là những gia vị độc đáo mà cuộc sống tình cảm nên có. Phần nhiều các mối quan hệ rạn nứt là bởi vì cả 2 người không ý thức được rằng những hành động lãng mạn, những cử chỉ nồng nàn là một hành động xây dựng hôn nhân có tính chủ động. Chúng ta vẫn nghĩ rằng đó là hành vi của xúc cảm, là trạng thái thụ động mà cảm xúc mang đến cho mình. Nhưng, thực tế đó không phải là mối quan hệ nhân quả mà là mối tương quan biện chứng. Hành động mang đến cảm xúc và cảm xúc sẽ kiểm soát ngược lại hành động. Và hạnh phúc của một cuộc hôn nhân vững bền phải đến từ sự chủ động của cả 2 vợ chồng cùng thiết kế ra những hành động mang tính lãng mạn.
Những biểu hiện rõ rệt của cuộc hôn nhân thiếu tình yêu, thiếu sự lãng mạn chính là “hôn nhân trách nhiệm”, “hôn nhân vì tình nghĩa”… Đó là những khái niệm ngán ngẩm mang tính thụ động, bất lực của con người. Phải thừa nhận với nhau rằng, nếu được lựa chọn giữa hôn nhân tình yêu nồng nàn và hôn nhân trách nhiệm, nghĩa tình thì mỗi chúng ta đều có khao khát được lựa chọn cuộc hôn nhân tình yêu mỹ mãn. Tuy nhiên, chính vì người ta không biết cách để sở hữu được hôn nhân nồng nàn đó nên mới phải chấp một cuộc hôn nhân thiếu vắng tình cảm.
Như một dấu hiệu tai hại nghiêm trọng về sự tụt dốc của tình yêu, sự thiếu lãng mạn kéo dài sẽ khiến cho cuộc hôn nhân trở nên nhàm chán. Nếu kéo dài đủ lâu, cảm xúc con người sẽ rơi vào trạng thái “numb” – đó là trạng thái tê liệt của cảm xúc. Đến một ngưỡng đủ lâu và đủ nhiều, cảm xúc của vợ chồng sẽ bị dừng tại đó. Kéo theo sau đó là các biểu hiện hành vi: thiếu quan tâm, kém tương tác với nhau, không tập trung vào đối phương, thường xuyên tranh cãi và đối đầu nhau… Sự khủng khiếp của trạng thái thiếu thốn tình cảm, sẽ đẩy 1 trong 2 người đến những lựa chọn mang tính tàn phá nặng nề trong hôn nhân: đó chính là ngoại tình.
Có thể nói, khi rơi vào trạng thái này thì mối quan hệ vợ chồng gần như sẽ không còn hy vọng để sửa chữa, việc ly hôn chỉ là một lựa chọn về hình thức còn về mặt bản chất thì mối quan hệ tình cảm giữa 2 người không còn tồn tại.
- 𝐋𝐲 𝐭𝐡𝐚̂𝐧 𝐧𝐡𝐮̛𝐧𝐠 𝐯𝐚̂̃𝐧 đ𝐢 đ𝐞̂́𝐧 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐧 𝐤𝐡𝐢 𝐥𝐲 𝐡𝐨̂𝐧
Ly thân là một trạng thái gần nhất với ly hôn, nhưng đó là bước cần thiết phải thực hiện trước khi bạn quyết định ly hôn. Giai đoạn ly thân rất quan trọng, bởi nó cho phép bạn được quay về là chính mình, tập trung cho cuộc sống cá nhân và nhìn nhận lại những giá trị trong hôn nhân. Ly thân không phải là để thử thách đối phương mà là để quan sát lại bản thân mình.
Vợ và chồng ly thân nhau không làm kết thúc trạng thái pháp lý hôn nhân của hai người, bởi trên phương diện xã hội hay phương diện pháp lý thì 2 người vẫn đang có quan hệ vợ chồng.
Tuy nhiên, khi giữ cho mình được ở khoảng cách xa đối phương, bạn có thể sẽ quan sát được những vấn đề chưa sáng tỏ trong cuộc hôn nhân của mình. Trong giai đoạn này, bạn và cả người vợ/chồng của mình hãy tôn trọng tự do và khoảng thời gian riêng của nhau, hãy cho phép họ được làm những việc mà họ muốn, và bạn cũng có thể làm những việc mà bạn muốn. Sống trung thực với cảm xúc của mình để đưa ra lựa chọn được chính xác hơn.
Một lưu ý quan trọng trong giai đoạn ly thân là bạn phải đặt một cột mốc xác định. Cột mốc này có thể là 2 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng… Khi đến hạn của cột mốc thì hai vợ chồng phải đi đến quyết định là ly hôn hoặc tiếp tục. Bởi ly thân chỉ là một trạng thái ngắn hạn, nó không thể kéo dài mãi mãi và việc xác định được cột mốc sẽ giúp cho bạn hoạch định rõ ràng hơn về các kế hoạch trong tương lai.
- Đã chỉnh sửa hôn nhân nhưng thất bại
Điều cuối cùng, cũng là quan trọng nhất trước khi quyết định ly hôn. Hãy đảm bảo rằng bạn đã chỉnh sửa hôn nhân trước khi ly hôn. Khái niệm về “Chỉnh sửa hôn nhân” có thể là một khái niệm mới lạ đối với nhiều người, nhưng đó chỉ là một cách gọi cho giải pháp hàn gắn hôn nhân trước khi quyết định chấm dứt. Mục đích chính của việc chỉnh sửa hôn nhân là nhằm đảm bảo giảm thiểu “tổn thương” cho cả hai phía.
Đứng trước sự rạn nứt của cuộc hôn nhân, người ta thường chỉ đưa ra 1 trong 2 quyết định đó là: ly hôn hoặc tiếp tục chấp nhận cuộc hôn nhân đau khổ. Tuy nhiên, vẫn có 1 giải pháp thứ 3, không phải ly hôn, cũng không phải tiếp tục mà là chỉnh sửa và xây dựng, tái thiết lại cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn.
Nếu bạn chỉ có 1 cuộc đời để sống, thì hãy lựa chọn sống cuộc đời thật ý nghĩa và thật hạnh phúc. Và dĩ nhiên, để đạt được mục đích đó, thì người bạn đồng hành của bạn cũng phải cùng chung lý tưởng. Chỉnh sửa lại hôn nhân là thỏa thuận cần đạt được khi có sự đồng ý của cả 2 người.
Khi chỉnh sửa hôn nhân, cả vợ và chồng đều phải lột ra được “phần mềm” bên trong (những phần bị tổn thương và mềm yếu nhất trong con người), khi bạn chấp nhận bị tổn thương thì đối phương cũng sẽ buông bỏ vũ khí xuống, đó là trạng thái mà 2 tâm hồn có thể kết nối lại với nhau. Bạn có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn để biết rõ hơn và những gì cần làm và cách thiết kế một lộ trình hạnh phúc của mình.
![chỉnh sửa hôn nhân](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/06/ly-hon-thuan-tinh-khi-chong-o-nuoc-ngoai-co-duoc-khong-300x169.jpeg)
Nhưng về cơ bản, khi bạn đã thực hiện qua các động tác chỉnh sửa hôn nhân đúng cách thì bạn sẽ tìm ra được kết luận cho cuộc hôn nhân của mình. Kết quả của quá trình chỉnh sửa này sẽ xảy ra 2 chiều hướng như sau:
- Một là: Bạn chỉnh sửa hôn nhân thành công và cả hai vợ chồng cùng nhau bắt tay xây dựng lại hạnh phúc
- Hai là: Bạn chỉnh sửa thất bại nhưng cả hai đều cùng đồng thuận là ly hôn, và ở trạng thái bình an và thăng bằng nhất, hai bạn chấp nhận rằng cuộc hôn nhân này đã không còn cứu vãn được nữa, và việc ly hôn sẽ hạn chế tối đa sự sát thương lẫn nhau.
Phần nhiều các cuộc hôn nhân tan vỡ không trải qua bước chỉnh sửa, và hậu ly hôn là cả một quá trình tổn thương, mặc cảm và luyến tiếc dai dẳng kéo dài. Sự nguy hiểm nhất của ly hôn không phải là cả 2 không cùng sống với nhau nữa, mà là sự tổn thương ám ảnh kéo lùi cuộc đời bạn, nắn bạn trở thành một con người bất hạnh không còn khả năng tin vào hạnh phúc nữa.