Kết hôn giả tạo
Kết hôn giả là việc kết hôn nhằm mục đích để xuất ngoại, được nhập cảnh và sinh sống tại quốc gia khác mà không phải với mục đích chính là xây dựng hôn nhân.
Hiện nay dịch vụ kết hôn giả thông qua môi giới diễn ra rất phổ biến, nhiều người muốn được định cư tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Canada… mà lựa chọn dịch vụ kết hôn giả với người bản xứ để được hợp thức hóa giấy tờ.
Có thể nói, bản chất của việc kết hôn này là thỏa thuận dân sự trao đổi tiền để đổi lấy các mục đích nhập cảnh, nhập tịch hoặc các lý do khác chứ không nhằm xây dựng gia đình hay kết hôn trên cơ sở tình yêu.
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/10/KET-HON-GIA-DE-XUAT-NGOAI-co-toi-khong-1024x1024.png)
Quy định về kết hôn giả theo pháp luật
Căn cứ quy định tại Khoản 11, Điều 3, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 thì: “Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”.
Và theo Luật HN&GĐ 2014 thì hành vi “Kết hôn giả tạo” cũng là một trong những hành vi bị cấm (căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 5).
Chính bởi vì mục đích của việc kết hôn không nhằm vào việc xây dựng gia đình nên pháp luật không cho phép thực hiện.
Không chỉ tại Việt Nam, các quốc gia khác cũng rất nghiêm khắc điều chỉnh hành vi này. Theo luật pháp Hoa Kỳ, những công dân bản xứ có liên quan kết hôn giả, dù không bị trục xuất nhưng cũng phải đối mặt với các hình phạt như bị phạt tù tới 5 năm và phạt tiền lên tới 250.000 USD cùng với việc bị tước bỏ nhiều quyền lợi khác, đối với người nước ngoài, sẽ đối diện với việc bị trục xuất và cấm nhập cảnh vào quốc gia này.
Theo số liệu thống kê năm 2013, tại Đức có 1,2 triệu cặp đôi kết hợp giữa quốc tịch Đức và một quốc tịch khác, nhiều gấp đôi so với cách đó 14 năm. Tùy từng tiểu bang, các cặp đôi này phải trả lời đến 100 câu hỏi, để loại trừ khả năng kết hôn giả. Theo số liệu thống kê của cảnh sát Đức, năm 2010 có 994 trường hợp bị nghi ngờ kết hôn giả, trong đó 1/10 bị từ chối cấp Visa.
Kết hôn giả tạo xử lý thế nào?
Hiện tại, hành vi kết hôn giả tạo sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật (tùy theo nội quy cơ quan, tổ chức làm việc). Về xử lý hành chính, theo khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kết hôn giả tạo.
Việc kết hôn giả tạo do vi phạm luật nên hôn nhân đó sẽ bị hủy theo quy định của pháp luật.