Hỏi:
Vợ chồng bạn tôi có đăng ký kết hôn, tổ chức lễ cưới có sự tham gia của hai bên họ hàng và bạn bè. Họ sinh sống với nhau 3 năm, có 1 con gái 1 tuổi. Nhưng giờ đây có một người phụ nữ nước ngoài tìm đến và nói rằng chồng của bạn tôi là chồng của cô ấy. Cô ấy nói họ đã kết hôn ở nước ngoài từ lâu, hiện chưa ly hôn. Cô ta dọa sẽ kiện bạn tôi vì kết hôn trái luật, đòi vợ chồng bạn tôi phải hủy cuộc hôn nhân này. Vậy cho tôi hỏi nếu cuộc hôn nhân này bị hủy thì chuyện tài sản và con cái chung giữa hai người sẽ được xử lý như thế nào?
Trả lời
Trong trường hợp kể trên, cần xem xét 2 trường hợp:
Thứ nhất: hôn nhân giữa người chồng và người phụ nữ ở nước ngoài kia được công nhận tại Việt Nam
Ở Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 121, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Căn cứ theo quy định tại Điều 124, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Hợp pháp hoá lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình: “Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.”
Không phải hôn nhân nào ở nước ngoài thì đều được Việt Nam công nhận. Để hôn nhân tại nước ngoài được công nhận tại Việt Nam thì cần đảm bảo đủ các điều kiện về kết hôn, không trái với các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam, đồng thời các giấy tờ hộ tịch chứng minh hôn thú có yếu tố nước ngoài cũng cần phải hợp pháp hóa lãnh sự.
Do đó, trong trường hợp hôn nhân của người chồng và người phụ nữ nước ngoài được công nhận hợp pháp theo luật Việt Nam, thì trên nguyên tắc, hôn nhân giữa người chồng và bạn của bạn là vi phạm điều cấm được quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 5, Luật HN&GĐ 2014: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”. Vì vậy, khi vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình thì có căn cứ để xử lý hủy kết hôn trái luật.
Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái luật căn cứ vào Điều 12, Luật HNGĐ 2014 là:
Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
Như vậy, việc hủy kết hôn trái luật sẽ làm chất dứt quan hệ sống chung như vợ chồng, các quyền và nghĩa vụ về tài sản sẽ được giải quyết theo luật dân sự; các Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
Về con chung:
Căn cứ theo quy định tại Điều 81, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Tòa án sẽ suy xét về các điều kiện kinh tế, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục… tốt để giao quyền nuôi con cho cha hoặc mẹ.
Về tài sản
Căn cứ Điều 16, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Thứ hai: trường hợp hôn nhân giữa người chồng và người phụ nữ ở nước ngoài kia không được công nhận tại Việt Nam
Như đã đề cập, không phải hôn nhân ở nước ngoài nào cũng được công nhận tại Việt Nam. Trong một số trường hợp, các cuộc hôn nhân đó không thỏa đủ điều kiện kết hôn tại Việt Nam hoặc vi phạm các điều cấm của Luật. Ví dụ:
Điều kiện kết hôn tại Việt Nam là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng nếu hôn nhân ở nước ngoài hai người kết hôn chưa đủ độ tuổi này thì cũng chưa đủ điều kiện để công nhận. Hoặc hôn nhân giữa những người cùng giới tính được công nhận ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam thì hôn nhân này không được thừa nhận.
Hoặc hôn nhân ở nước ngoài đó vi phạm các điều cấm theo luật Việt Nam như: hôn nhân đa phu, đa thê, hôn nhân giả tạo, hôn nhân có yếu tố loạn luân…
Về nguyên tắc, khi hôn nhân ở nước ngoài kia không được công nhận tại Việt Nam thì trên giấy tờ hộ tịch người chồng vẫn là người độc thân tại Việt Nam. Do đó, không đủ cơ sở để cho rằng hôn nhân giữa hai người bạn của bạn là kết hôn trái luật.
Các tranh chấp về hôn nhân có yếu tố nước ngoài kể trên sẽ làm xuất hiện xung đột pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Để giải quyết các tranh chấp này sẽ dựa trên quốc tịch hoặc luật nơi cư trú các bên, trong trường hợp này là luật Việt Nam hoặc luật của nước ngoài (tùy từng quốc gia mà áp dụng luật quốc gia đó hoặc áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên).