Hỏi:
Tôi và bạn trai quen nhau 2 năm và quyết định tiến tới hôn nhân. Hai bên gia đình đã có gặp nhau và thống nhất về việc cưới. Bên nhà trai có qua nhà tôi để tặng sinh lễ 2 chiếc nhẫn vàng mỗi chiếc 6 phân 18 kara, 1 dây chuyền trọng lượng 5 chỉ vàng 24 kara và 20 triệu đồng để sắm đồ cưới. Tuy nhiên, sau đám hỏi thì tôi phát hiện bạn trai qua lại với người phụ nữ khác, chúng tôi có cãi vả nhau, anh ta còn chửi mắng tôi nên tôi đã quyết định hủy hôn.
Nhưng giờ phía nhà anh ta đòi tôi phải trả lại toàn bộ số sính lễ vì lí do tôi hủy hôn vô lí. Gia đình tôi không trả lại vì theo phong tục cưới hỏi từ xưa đến nay không có chuyện nhà trai đòi lại sính lễ như vậy sẽ làm ảnh hưởng danh dự gia đình tôi, hơn nữa lỗi sai là do anh ta vì đã không chung thủy. Họ dọa sẽ kiện ra tòa nếu không trả lại sính lễ. Vậy cho tôi hỏi, gia đình tôi có sai khi không trả lại sính lễ không?
——————-
![đòi lại sinh lễ khi bị hủy hôn](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/07/doi-lai-sinh-le-khi-bi-huy-hon-300x300.png)
Trả lời:
Sính lễ được xem là một nét đẹp trong tập tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam từ xưa. Trong lễ đính hôn, nhà trai sẽ mang sính lễ gồm các lễ vật, trang sức, tiền, vàng,… sang nhà gái xin hỏi cưới, việc trao sính lễ cũng thể hiện thành ý của bên nhà trai với họ nhà gái.
Trên phương diện pháp lý, sính lễ là một dạng hợp đồng thỏa thuận cho tặng tài sản của nhà trai dành cho nhà gái.
Căn cứ theo Bộ Luật Dân sự hiện hành thì hợp đồng cho tặng có hai dạng là:
– Hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện (Điều 457 Bộ luật dân sự 2015);
– Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện (Điều 468 Bộ luật dân sự 2015)
—————-
– Trường hợp tặng cho tài sản không có điều kiện:
Căn cứ Điều 457, Bộ Luật Dân sự 2015 Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận
Trong trường hợp này, nếu gia đình bên nhà trai trao tặng sính lễ trên tinh thần tự nguyện thì số sính lễ trên đã thuộc quyền sở hữu của nhà gái kể từ thời điểm hai bên thực hiện nghi thức trao sính lễ và bên nhà gái đồng ý nhận. Nên nếu xảy ra tình huống hủy hôn thì số sính lễ này vẫn là một quà tặng thuộc sở hữu bên nhà gái.
—————-
– Trường hợp cho tặng tài sản có điều kiện:
Căn cứ Điều 462, Bộ Luật Dân sự 2015 Tặng cho tài sản có điều kiện:
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, trong trường hợp nhà trai tặng sính lễ cho nhà gái kèm theo với điều kiện là phải tiến tới hôn nhân, cử hành hôn lễ thì được xem là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Tuy nhiên, điều kiện buộc nhà gái đồng ý kết hôn lại đi ngược lại tinh thần của pháp luật Việt Nam đó là việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, không cưỡng ép cũng không yêu sách đặt điều kiện khi kết hôn.
Căn cứ Điều 123, Bộ Luật Dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Trong trường hợp nhà trai trao tặng sính lễ nhưng kèm theo điều kiện bắt buộc kết hôn thì hợp đồng cho tặng đó sẽ bị vô hiệu.
Căn cứ khoản 2, Điều 131, Bộ Luật Dân sự 2015 về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Như vậy, nhà gái sẽ phải hoàn trả lại phần sính lễ cho nhà trai vì giao dịch hợp đồng cho tặng giữa 2 bên là vô hiệu.