Hỏi:
Vợ chồng tôi kết hôn 5 năm, có con 1 tuổi. Trong 1 năm gần đây cuộc sống hôn nhân rất căng thẳng, do tôi nghi ngờ chồng tôi có người phụ nữ khác, nên chúng tôi thường xuyên cãi nhau. Hai bên gia đình đã hòa giải nhưng không thành công. Gần đây tôi thấy chồng thường hay nhắn tin và gọi điện thoại cho ai đó, vì tôi muốn biết được rõ ràng mối quan hệ đó nên đã lén đọc trộm tin nhắn của chồng và chụp lại toàn bộ cuộc trò chuyện với người phụ nữ đó. Tôi chụp lại và xem là bằng chứng để khi ly hôn giành quyền nuôi con. Nhưng tôi đã có chia sẻ đoạn tin nhắn này cho bạn thân của mình và người đó đã đăng lên mạng xã hội khiến chồng tôi và cô nhân tình bị cộng đồng mạng chỉ trích và chửi mắng. Hiện giờ chồng tôi dọa sẽ kiện tôi vì đã “nhục mạ” anh ta, xin hỏi hành vi của tôi có vi phạm pháp luật không?
————-
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/08/doc-trom-tin-nhan-300x300.png)
Trả lời:
Căn cứ Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 thì
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Hành vi bạn xem tin nhắn của chồng bạn mà không được sự đồng ý của anh ta cũng được xem là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Tùy vào mức độ và tính chất nguy hiểm của hành vi mà sẽ đối diện với các hình thức xử phạt khác nhau.
– Trường hợp xử phạt hành chính
Nếu các vi phạm xảy ra với các thành viên trong gia đình, như vợ đọc trộm tin nhắn của chồng hoặc ngược lại, sau đó tiết lộ, phát tán những tin nhắn này làm xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người đó thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 51 Nghị định 167, nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 01 – 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định, trường hợp cố tình thu thập tin nhắn, email mà không được sự đồng ý, người vi phạm còn có thể bị phạt hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
– Trường hợp xử lý vi phạm hình sự:
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại Điều 159, Bộ Luật Hình Sự 2015 về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người xâm phạm quyền bí mật đời tư khác bằng cách đọc trộm tin nhắn của người khác có thể sẽ phải chịu chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật, trong đó mức phạt cao nhất là 03 năm tù.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
![☎](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/ta9/1.5/16/260e.png)
![✉](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/tbe/1.5/16/2709.png)
![📌](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t5/1.5/16/1f4cc.png)