1. Hôn nhân thực tế là gì?
Hôn nhân thực tế được hiểu là việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, thỏa mãn các điều kiện để được đăng ký kết hôn nhưng không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Hiện nay, để được pháp luật công nhận quan hệ chung sống như vợ chồng là hôn nhân hợp pháp thì hôn nhân đó phải được xác lập trước 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực).
Cụ thể, theo điểm a khoản 3 của Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 về việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:
“Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;”
Cũng theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP khuyến khích việc đăng ký kết hôn trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng 03/01/1987
“Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.”
Như vậy, các trường hợp nam nữ tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực thì được công nhận là có quan hệ hôn nhân thực tế. Việc đăng ký kết hôn trong trường hợp này là không bắt buộc nhưng được khuyến khích thực hiện. Cần lưu ý, trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trong trường hợp họ không đi đăng ký kết hôn nhưng có yêu cầu về việc ly hôn thì tòa án cũng sẽ thụ lý giải quyết yêu cầu ly hôn theo thủ tục chung.
2. Điều kiện để được công nhận có hôn nhân thực tế
Các điều kiện để nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng được công nhận là có hôn nhân thực tế là:
Theo hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
“Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
– Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
– Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
– Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.”
Có thể hiểu, điều kiện để nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng xác lập trước ngày 03/01/1987 được công nhận hôn nhân thực tế là một trong các cơ sở sau:
- Nam nữ có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau: Việc tổ chức lễ cưới được thực hiện theo phong tục, tập quán tại địa phương. Thời điểm được tính là nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng là thời điểm mà hai bên nam nữ tổ chức lễ cưới hoặc hai bên chính thức dọn về sống chung với nhau như vợ chồng;
- Sự kiện về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận: Sự chấp thuận có thể được thể hiện rằng hai bên đều biết và không phản đối, nam nữ cùng sống chung với bố mẹ của một bên, nam nữ được bố mẹ hai bên chứng kiến khi dọn về nơi mới sống chung;
- Thời điểm nam nữ dọn về cùng chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến: Tổ chức có thể là hội phường, tổ chức tôn giáo địa phương, tổ chức chính quyền địa phương hoặc hàng xóm láng giềng chứng kiến,…;
- Có thời gian chung sống với nhau thực tế, nam nữ phải thực sự có chung sống với nhau (như cùng ở tại một nơi), cùng chăm sóc, giúp đỡ nhau mọi mặt trong cuộc sống và cùng nhau xây dựng gia đình (cùng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, cho con cái…);
3. Chấm dứt hôn nhân thực tế
3.1 Chấm dứt hôn nhân bằng bản án, quyết định của tòa án
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật hôn nhân & gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Hôn nhân thực tế trong trường hợp kể trên được công nhận là hôn nhân hợp pháp. Do đó, về nguyên tắc, việc chấm dứt hôn nhân thực tế có bản chất là ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Được thực hiện giống với việc chấm dứt các cuộc hôn nhân thông thường khác đó là thực thủ tục yêu cầu công nhận sự thuận tình ly hôn hoặc ly hôn đơn phương (Điều 55, 56 Luật hôn nhân & gia đình 2014). Chỉ khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc ly hôn thì quan hệ hôn nhân thực tế mới chấm dứt.
3.2 Chấm dứt hôn nhân do một bên chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết
Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật hôn nhân & gia đình 2014 về thời điểm chấm dứt hôn nhân, theo đó:
“Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.
Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”
Xem thêm
Điều kiện kết hôn của nam giới và nữ giới theo quy định pháp luật là như thế nào?