Sau khi ly hôn, tòa án sẽ ra quyết định trao quyền trực tiếp nuôi con cho 1 bên vợ hoặc chồng, dựa trên các điều kiện về vật chất và tinh thần đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, quyết định này không mang tính chất cố định mà có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào sự thay đổi các điều kiện đời sống vật chất và tinh thần sau ly hôn.
Trong nhiều trường hợp, xét thấy người đang trực tiếp nuôi con gặp nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để nuôi dưỡng và giáo dục con được tốt nhất thì tòa án có thể xem xét để thay đổi quyền nuôi con, giao cho người có đủ điều kiện nuôi con tốt hơn để trực tiếp nuôi nhằm đảo bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
![thay dổi người trực tiếp nuôi con](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/07/thay-doi-nguoi-truc-tiep-nuoi-con-300x300.png)
Căn cứ để thay đổi quyền nuôi con
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2, Điều 84, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Người có quyền yêu cầu thay đổi quyền nuôi con
Căn cứ Khoản 5, Điều 84, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Người nào có đủ điều kiện nuôi con?
Không chỉ cha và mẹ ruột của trẻ là người có đủ điều kiện nuôi, trong nhiều trường hợp tòa án có thể cân nhắc chỉ định giao cho người giám hộ thay thế cha mẹ nuôi dưỡng nếu cha mẹ không đủ điều kiện nuôi. (Căn cứ Khoản 4, Điều 84, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)
Căn cứ Điều 48, Bộ Luật Dân sự 2015 thì Người giám hộ là:
– Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.
– Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Căn cứ Điều 52, Bộ Luật Dân sự 2015 về Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
—————–
Thủ tục thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn thực hiện thế nào
Thủ tục thay đổi quyền nuôi con sẽ có 2 trường hợp:
– Trường hợp có tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (Khoản 3, Điều 28, Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015).
– Trường hợp yêu cầu công nhận thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (không có tranh chấp) (Khoản 3, Điều 29, Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015).
Các trường hợp hợp này đều thuộc thẩm quyền xử lý của tòa án nhân cấp huyện nơi cư trú của công dân (điểm a, Khoản 1 và điểm điểm b, Khoản 2, Điều 35, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015). Tuy nhiên, tùy từng trường trường cần các thủ tục khác nhau.
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm
– Đơn yêu cầu (hoặc đơn khởi kiện) thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
– Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu.
– Trích lục giấy khai sinh của con.
– Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
Thời gian xử lý yêu cầu (hoặc vụ án có tranh chấp) thay đổi quyền nuôi con từ 2 – 6 tháng tùy từng trường hợp.