Hỏi: Hai vợ chồng tôi đã kết hôn nhiều năm, có một khối lượng lớn tài sản chung gồm nhà cửa, đất đai, tiền tiết kiệm, xe. Hiện nay, chúng tôi muốn phân chia khối tài sản chung này để tự đầu tư kinh doanh riêng dù không ly hôn với nhau. Xin hỏi pháp luật có cho phép các cặp vợ chồng được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hay không? Nếu có thì phân chia như thế nào và hậu quả pháp lý ra sao?
——————
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/09/Chia-tai-san-chung-cua-vo-chong-trong-thoi-ky-hon-nhan-1024x1024.png)
Trả lời:
Về quyền chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì
“ Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Theo đó thì việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là quyền của vợ chồng dựa trên việc thỏa thuận với nhau hoặc yêu cầu Tòa án phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ những trường hợp việc chia tài sản chung của vợ chồng thuộc một trong các trường hợp bị vô hiệu theo quy định tại Điều 42 của Luật này, cụ thể:
“Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải đảm bảo dựa trên các nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng.
Về cách thức chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc phân chia có thể được giải quyết dựa trên thỏa thuận của vợ chồng hoặc vợ, chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp phân chia theo thỏa thuận giữa vợ, chồng thì thỏa thuận này phải đảm bảo về mặt hình thức cụ thể là phải được lập thành văn bản, văn bản này công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật thì mới được pháp luật công nhận.
Về hậu quả pháp lý của việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Được quy định tại Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và cụ thể hơn ở Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như sau:
– Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
– Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
– Thỏa thuận của vợ chồng về phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.
Có một điều dễ dàng nhận thấy rằng, sau khi phân chia tài sản chung trong hôn nhân của vợ, chồng thì quan hệ quan hệ vợ chồng vẫn còn tồn tại trước pháp luật, vợ chồng có thể sống chung hoặc sống riêng nhưng các quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng vẫn được đảm bảo thực hiện.
______________________________________
CÔNG TY LUẬT ANSG
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN NGAY
![☎](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/ta9/1.5/16/260e.png)
![✉](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/tbe/1.5/16/2709.png)
![📌](https://static.xx.fbcdn.net/images/emoji.php/v9/t5/1.5/16/1f4cc.png)