Hỏi:
Tôi và bạn gái sống chung một thời gian và sinh được một cháu gái. Nhưng trong khai sinh của cháu chỉ có tên của người mẹ, không có tên của tôi. Chúng tôi đã chia tay và cô ấy đã đem theo con về quê ngoại sinh sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi được biết cô ấy đã quen với người mới và không còn sống tại địa phương, nhưng con gái thì để lại cho ông bà ngoại nuôi. Tôi rất muốn giành lại quyền nuôi con, vì tôi có điều kiện kinh tế và thời gian chăm sóc cháu tốt, nhưng trên khai sinh của con không có tên tôi. Xin hỏi tôi phải làm sao để giành quyền nuôi con của mình?
![Cha có được giành quyền nuôi con khi giấy khai sinh không có tên cha](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/05/Cha-co-duoc-gianh-quyen-nuoi-con-khi-giay-khai-sinh-khong-co-ten-cha-1024x1024.png)
Trả lời:
Chào bạn, trước tiên, để giành lại quyền nuôi con, bạn cần phải được tòa án công nhận có quan hệ cha con với cháu bé. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 68, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Do đó, dù bạn và bạn gái không có hôn nhân với nhau, nhưng không ảnh hưởng đến quyền được nhận cha con. Tuy nhiên, trên khai sinh của cháu bé chỉ có tên mẹ mà không có tên cha, trường hợp này được cơ quan hộ tịch xác định là trẻ em chưa xác định được cha, nên phần tên cha mới để trống.
Vì thế, dù trên thực tế bạn biết được mình là cha ruột của cháu bé, nhưng để chứng minh được điều này, bạn cần phải làm thêm một số thủ tục tại tòa án và tại cơ quan hộ tịch. Cơ sở để thực hiện thủ tục nhận cha con được quy định tại Điều 91, Luật HN&GĐ 2014, theo đó “Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.”. Và quyền được nhận con này được pháp luật bảo hộ, không cần có sự đồng ý của người mẹ cháu bé.
Thứ nhất: Làm đơn khởi kiện xác định cha con
Thủ tục này cần thực hiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người con cư trú.
Hồ sơ khởi kiện để xác định cha con cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện về việc xác định cha cho con (theo mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP) ;
- Bản sao chứng thực Căn cước công dân của người khởi kiện;
- Giấy xác nhận thông tin cư trú của người khởi kiện;
- Bản sao Giấy khai sinh của con, trong trường hợp con đã có Căn cước công dân thì sử dụng Bản sao căn cước công dân (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ chứng minh quan hệ cha – con (kết quả xét nghiệm ADN, văn bản thư từ, hình ảnh, tài liệu chứng minh…)
- Trường hợp có người lam chứng cần cung cấp thêm họ tên, địa chỉ của người làm chứng.
Chỉ sau khi có quyết định/ bản án của tòa án về việc công nhận quan hệ cha con thì bạn mới có đủ cơ sở để thêm tên mình vào khai sinh của người con tại cơ quan hộ tịch.
Mang quyết định/ bản án của tòa đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi người con cư trú để bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con, bổ sung vào sổ hộ tịch thông tin người cha cho con.
Thứ hai: Làm thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con tại tòa án
Sau khi đã hoàn tất thủ tục nhận cha con, bạn mới có đủ cơ sở để giành quyền nuôi con với mẹ của cháu bé. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 71, Luật HN&GĐ 2014 về Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Như vậy, nếu có những bằng chứng, cơ sở về việc người mẹ không thể trực tiếp nuôi dưỡng con hoặc điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con không được tốt thì người cha có quyền khởi kiện để yêu cầu giành quyền nuôi trực tiếp, vì cha và mẹ đều có quyền ngang nhau cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Cần lưu ý rằng, để giành quyền nuôi con, cần dựa trên 2 điều kiện :
- Điều kiện về vật chất: Cần chứng minh bản thân có điều kiện về kinh tế như tài chính tốt, chỗ ở, công việc ổn định, có đủ khả năng để chăm sóc con ăn học, chăm sóc về y tế, sức khỏe được tốt hơn đối phương;
- Điều kiện về tình thần: Cần chứng minh bản thân có thời gian chăm sóc và điều kiện về phẩm chất đạo đức tốt đẹp, nuôi dưỡng con được tốt hơn đối phương.
Dựa trên thông tin bạn cung cấp về người mẹ không còn sống ở địa phương, không trực tiếp nuôi dưỡng con mình mà giao cho người khác chăm sóc nuôi dưỡng thay thì bạn có thể chứng minh với tòa án những điều này để giành quyền nuôi con.
Tòa án sẽ cân nhắc dựa trên các điều kiện của hai bên để trao quyền nuôi con cho bên nào đảm bảo được điều kiên sinh sống và trưởng thành tốt nhất cho bé.