Cách Chia Tài Sản Ly Hôn Nếu Một Bên Bị Bệnh Tâm Thần
———————
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/11/chia-tai-san-ly-hon-1024x1024.png)
Khi ly hôn, dựa trên nguyên tắc thì tài sản sẽ được phân chia như sau:
1. Tôn trọng sự tự thỏa thuận của hai bên;
2. Bình đẳng giữa nam nữ, không phân biệt đối xử phụ nữ, không phân biệt thu nhập do lao động bên ngoài và lao động trong gia đình (nội trợ);
3. Bảo vệ quyền lợi của trẻ em và người phụ nữ.
4. Tỉ lệ phân chia tài sản là dựa trên công sức đóng góp của mỗi bên, ai đóng góp nhiều hơn thì được phần nhiều hơn.
5. Yếu tố lỗi của mỗi bên: Nếu một bên bị bạo lực gia đình, nạn nhân phải đi chữa bệnh, mất việc làm, ảnh hưởng đến công việc bình thường do bạo lực gia đình, bị ảnh hưởng bất lợi về quyền lợi tài sản, thì việc phân chia sẽ cân nhắc ưu tiên nhiều hơn cho bên bị thiệt hại.
Tuy nhiên, các nguyên tắc trên áp dụng cho việc phân chia tài sản trong các vụ ly hôn bình thường. Trường hợp ly hôn khi một bên bị tâm thần thì tài sản sẽ được định đoạt ra sao?
Xử lý theo thỏa thuận?
Bệnh tâm thần, là một bệnh về thân kinh mà người bệnh sẽ không ở trạng thái tỉnh táo và đủ nhận thức để xác lập các thỏa thuận dân sự. Do đó, thỏa thuận chia tài sản với người đang bệnh tâm thần sẽ không được tính là hợp pháp.
Chỉ trong trường hợp, trước đó vợ chồng đã có lập văn bản thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng trong hôn nhân, thì sẽ dựa trên sự thỏa thuận đó để phân chia tài sản khi ly hôn. Bởi vì văn bản thỏa thuận tài sản này được xác lập tại thời điểm người thỏa thuận còn tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, nên sẽ được công nhận hợp pháp.
Thỏa thuận thông qua người giám hộ
Người bị tâm thân không thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự, trong đó có cả quyền ly hôn hay quyền yêu cầu phân chia tài sản. Do đó, cần có một người giám hộ đại diện cho người bị tâm thần (Điểm c, Khoản 1, Điều 47 Bộ Luật Dân sự 2015).
Căn cứ theo Điều 53, Bộ Luật Dân Sự 2015 thì vợ/chồng là người giám hộ đương nhiên khi một bên bị tâm thần. Tuy nhiên, khi bên vợ/chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với người bị tâm thần thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án sẽ chỉ định người khác giám hộ để giải quyết việc ly hôn.
Vì vậy, việc thỏa thuận phân chia tài sản của người bị tâm thần cũng sẽ thông qua người giám hộ này (đó có thể là cha mẹ đẻ, con cái của người bị tâm thần).
Khi không tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ phân chia. Việc phân chia này cũng sẽ dựa trên nguyên tắc công sức đóng góp mỗi bên. Để chứng minh tài sản là do bên nào đóng góp thì bên đó phải cung cấp được các bằng chứng về việc đóng góp đó.
Cân nhắc bảo vệ lợi ích của bên bị mất năng lực hành vi dân sự
Người bị tâm thần sẽ có cuộc sống khó khăn, gặp nhiều bất lợi hơn sau ly hôn. Bởi bản thân họ không thể tự mình chăm sóc, không thể tự mình tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Do đó, để đảm bảo được điều kiện sinh sống thiết yếu cho người tâm thần sau ly hôn, tài sản được phân chia cũng sẽ cân nhắc ưu tiên cho họ nhiều hơn. Điều này phần nào thể hiện được chữ tình trong luật pháp và chữ nghĩa trong cuộc sống gia đình.
Cấp dưỡng sau ly hôn
Căn cứ theo quy định tại Điều 115, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 thì sau khi ly hôn vợ chồng cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình nếu bên kia có khó khăn, túng thiếu và có yêu cầu cấp dưỡng. Với người tâm thần, khi họ không thể tự nuôi bản thân mình thì người giám hộ có thể đại diện để yêu cầu bên vợ/chồng cũ cấp dưỡng. Việc cấp dưỡng này là một nghĩa cử cao đẹp được đúc kết từ truyền thống trọng tình trọng nghĩa của người Việt Nam ta.
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/02/Lien-he-Luat-su-Hon-nhan-va-Gia-dinh-ANSG-2.png)
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/02/Lien-he-Luat-su-Hon-nhan-va-Gia-dinh-ANSG-3.png)