Tòa xác định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra.
TAND Tối cao vừa công bố bảy án lệ mới, trong đó có Án lệ số 62/2023/AL về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con.
Nguồn án lệ dựa trên bản án phúc thẩm ngày 22-3-2018 của TAND tỉnh Bình Phước về vụ án xác định cha cho con, cấp dưỡng nuôi con giữa nguyên đơn là chị D với anh C.
![An le can thiet ve thoi diem cap duong cho con](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/03/thoi-diem-cap-duong.png)
Nội dung vụ án
Theo chị D, chị và anh C chung sống từ năm 2013 có tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Do không chung sống với nhau được nên đã đề nghị tòa án giải quyết. Tại bản án ngày 31-3-2017, TAND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã tuyên không công nhận chị D, anh C là vợ chồng.
Trong thời gian chung sống, chị D và anh C có một con chung là P, sinh ngày 12-1-2014, do chị D nuôi dưỡng.
Chị D khởi kiện đề nghị tòa xác định cháu P là con của chị và anh C và yêu cầu anh C cấp dưỡng mỗi tháng 1,5 triệu đồng kể từ ngày sinh của P đến khi bé đủ 18 tuổi.
Anh C thừa nhận cháu P là con đẻ của anh. Do mâu thuẫn nên chị D đã không cho anh C nhận cháu P là con và khai sinh lấy họ theo mẹ. Đối với yêu cầu cấp dưỡng, anh cho rằng là quá cao, anh chỉ đồng ý cấp dưỡng mỗi tháng 1,3 triệu đồng, tính từ ngày 1-11-2017 đến khi cháu P trưởng thành.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Lộc Ninh tuyên công nhận sự thỏa thuận giữa chị D và anh C xác định cháu P là con ruột của chị D và anh C. Giao cháu P cho chị D nuôi dưỡng, buộc anh C cấp dưỡng mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho đến khi cháu P đủ 18 tuổi. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 12-10-2017.
Chị D sau đó kháng cáo đề nghị anh C phải thanh toán tiền cấp dưỡng nuôi cháu P từ khi sinh ra cho đến ngày 12-10-2017 là 45 tháng với số tiền 67,5 triệu đồng. Còn anh C thì kháng cáo đề nghị hạ mức cấp dưỡng xuống 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh C còn yêu cầu được nhận cháu P về nuôi mà không cần chị D cấp dưỡng.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm (TAND tỉnh Bình Phước) cho rằng từ khi được sinh ra cháu P được chị D một mình chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển bình thường về thể chất và tinh thần nên giao cháu P cho chị D nuôi dưỡng là phù hợp.
Về mức cấp dưỡng, theo biên bản xác minh của TAND huyện Lộc Ninh thì chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ độ tuổi như cháu P cần 3 triệu
đồng/tháng. Như vậy, việc buộc anh C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu P mỗi tháng 1,5 triệu đồng là phù hợp. Bởi lẽ, anh C là giáo viên có thu nhập ổn định, mức lương hằng tháng gần 5 triệu đồng, do đó anh C đề nghị giảm mức cấp dưỡng xuống là không có căn cứ.
Nội dung án lệ
Cạnh đó, theo HĐXX phúc thẩm, xét quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và BLDS 2005 thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra. Việc cấp dưỡng nuôi con là quyền và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con.
Cháu P là con chung của chị D và anh C nhưng từ khi cháu P sinh ra là ngày 12-1-2014 cho đến ngày 12-10-2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng), một mình chị D chăm sóc, nuôi dưỡng và chi trả các khoản chi phí nuôi con. Như vậy, tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc anh C hoàn trả số tiền chi phí mà chị D bỏ ra để nuôi cháu P từ ngày sinh cho đến ngày khởi kiện là không phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị D.
Do đó cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị D, buộc anh C phải hoàn trả lại cho chị D 1/2 của số tiền mà chị D đã bỏ ra nuôi con tính từ ngày sinh cho đến ngày khởi kiện.
Từ đó, TAND tỉnh Bình Phước sửa bản án sơ thẩm buộc anh C phải hoàn trả tiền cấp dưỡng nuôi con chung cho chị D từ ngày 12-1-2014 đến 12-10-2017.
Theo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh