Hỏi:
Em gái tôi đã là ly hôn với chồng 7 năm trước. Cả hai vợ chồng có con 2 con chung hiện nay 5 tuổi và 10 tuổi. Tuy nhiên, từ khi ly hôn đến nay, em gái tôi phải một mình đơn thân nuôi con, hoàn cảnh rất khó khăn. Trong khi cha của các bé lại không cấp dưỡng nuôi con. Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp này ai có quyền yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con? Tôi có thể thực hiện thay em gái mình để yêu cầu anh ta cấp dưỡng không?
Trả lời:
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Như vậy trong trường hợp của bạn kể trên, người cha không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con. Nếu người cha không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì các đối tượng sau đây có quyền yêu cầu tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Căn cứ theo điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Có thể hiểu, người quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó là:
- Chính bản thân người được cấp dưỡng (trong trường hợp người đó đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự);
- Cha, mẹ, người giám hộ của người được cấp dưỡng;
- Người thân thích khác (là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời);
- Cơ quan, tổ chức khác như cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ;
Bên cạnh đó, trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức kể trên yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, trong trường hợp cụ thể của bạn thì bạn và em gái của bạn đều có quyền yêu cầu tòa án buộc người cha phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho các bé. Em gái của bạn là mẹ đẻ của các bé và bạn với vai trò là người thân thích của các bé có thể thực hiện quyền này, để đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho trẻ.
Xem thêm
Đề nghị sửa luật vì nhiều cha, mẹ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn