1. Vì sao cần xác định cha, mẹ, con?
Việc xác định cha, mẹ, con là cơ sở để xác lập các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái. Cụ thể, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái; con cái có quyền và nghĩa vụ yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ. Điều này giúp cho trẻ em được thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, việc xác định cha mẹ con còn là căn cứ để thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ dân sự, như quyền thừa kế, quyền nhận cấp dưỡng,…
Luật hôn nhân và gia đình hiện hành ghi nhận việc xác định cha, mẹ, con trong các trường hợp sau:
- Xác định cha, mẹ, con theo yêu cầu tự nguyện của các bên;
- Xác định cha, mẹ, con theo yêu cầu của một bên (Chẳng hạn: Con có yêu cầu xác định cha, mẹ; Cha có yêu cầu xác định con; Mẹ có yêu cầu xác định cha cho con mình…)
- Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết (Điều 92 Luật hôn nhân & gia đình 2014);
- Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Điều 93 Luật hôn nhân & gia đình 2014);
- Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Điều 94 Luật hôn nhân & gia đình 2014)
2. Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con
Vậy, khi có nhu cầu về việc xác định quan hệ cha, mẹ, con thì người nào có quyền thực hiện yêu cầu này theo quy định của pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con bao gồm
- Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này.
- Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:
a) Cha, mẹ, con, người giám hộ;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, các đối tượng bao gồm cá nhân và tổ chức kể trên có quyền thực hiện việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con
Cũng theo quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:
- Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
- Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Xem thêm
Hướng dẫn thủ tục Đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con tại Ủy ban nhân dân
Khi phụ nữ ngoại tình có con riêng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn so với đàn ông