Thực trạng hiện nay, trẻ em bị bỏ rơi vẫn xảy ra do cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó các nguyên nhân khiến trẻ em bị bỏ rơi ở Việt Nam chủ yếu là do:
- Tình trạng hôn nhân cận huyết thống, gia đình bất hòa, bạo lực gia đình;
- Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái;
- Áp lực kinh tế, xã hội.
Vậy, khi một trẻ em bị bỏ rơi, không rõ nguồn gốc nhân thân thì quốc tịch của trẻ em đó sẽ được xác định như thế nào?
Quá trình xác định quốc tịch của trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là quy định tại Luật quốc tịch Việt Nam 2008. Cơ quan có thẩm quyền xác định quốc tịch của trẻ em bị bỏ rơi là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em bị bỏ rơi được phát hiện.
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 thì quốc tịch của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam được xác định như sau
1. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
2. Trẻ em quy định tại khoản 1 Điều này chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài;
b) Chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài.
Như vậy, đối với trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc trẻ em bị bỏ rơi được tìm thấy trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà không xác định rõ cha mẹ là ai thì sẽ được xác định có quốc tịch Việt Nam, việc xác định này áp dụng theo nguyên tắc lãnh thổ. Trẻ em bị bỏ rơi có quốc tịch Việt Nam sẽ được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Xem thêm
Hồ sơ nhận nuôi con nuôi cần chuẩn bị những gì?
Tổng hợp đường dây nóng bảo vệ trẻ em
Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em