Hỏi: Luật sư cho hỏi, chồng tôi ngoại tình với người thứ ba. Người phụ nữ này hiện đang làm công chức tài chính – kế toán tại UBND xã, vậy công chức làm người thứ ba thì bị xử lý thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, xin được giải đáp câu hỏi của bạn được rõ như sau
1. Công chức là ai?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
Chiếu theo khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu rõ, nghĩa vụ của cán bộ, công chức bao gồm: Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong lĩnh vực hôn nhân & gia đình, Nhà nước chủ trương Bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng (Điều 5 Luật HN&GĐ 2014).
Việc một người chưa có vợ/chồng (hoặc đang có vợ/chồng) mà chung sống với người mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ (còn được gọi là ngoại tình) là hành vi vi phạm điều cấm của luật. Do đó, khi vi phạm, tùy vào mức độ, tính chất vi phạm cán bộ, công chức có thể sẽ bị xử lý kỷ luật.
2. Hình thức xử lý vi phạm kỷ luật đối với công chức
Căn cư quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019 về các hình thức kỷ luật đối với công chức thì
Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này
Khoản 9 Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về việc áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức thì hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.”
Như vậy, trường hợp công chức là người thứ ba, có hành vi chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ có chồng, sẽ thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách nếu vi phạm lần đầu. Nếu người công chức đó đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi này theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP kể trên mà còn tái phạm thì áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Tuy nhiên, trong trường hợp công chức có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức đó.
Xem thêm
Khi phụ nữ ngoại tình có con riêng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn so với đàn ông
Ngoại tình với người đồng giới thì có vi phạm pháp luật không
Chồng ngoại tình có con riêng với tiểu tam, vợ cần làm gì?