![TRƯỜNG HỢP NÀO PHẢI ĐĂNG KÝ NGƯỜI GIÁM HỘ](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/09/TRUONG-HOP-NAO-PHAI-DANG-KY-NGUOI-GIAM-HO.png)
-
Giám hộ là gì?
Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được pháp luật quy định có quyền thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Cụ thể được quy định tại Điều 46 Bộ Luật Dân sự 2015, theo đó:
Điều 46. Giám hộ
1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
Như vậy, người giám hộ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân được cử hoặc chỉ định. Việc xác lập quyền giám hộ của cá nhân, pháp nhân phải được tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối với việc giám hộ đương nhiên mà không đăng ký giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
Đối tượng nào cần được giám hộ?
Các đối tượng thuộc trường hợp cần được giám hộ được quy định tại Điều 47 Bộ Luật Dân sự 2015, theo đó:
Điều 47. Người được giám hộ
1. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
c) Người mất năng lực hành vi dân sự;
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
Người giám hộ là ai?
Người giám hộ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân có đủ điều kiện theo pháp luật được cử hoặc chỉ định, căn cứ quy định tại Điều 48 Bộ Luật Dân sự 2015, theo đó:
Điều 48. Người giám hộ
1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.
2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.
Cụ thể, đối với cá nhân, điều kiện để làm người giám hộ được quy định tại Điều 49 Bộ Luật Dân sự 2015
- Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Đối với pháp nhân, điều kiện để làm người giám hộ được quy định tại Điều 50 Bộ Luật Dân sự 2015
- Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ;
- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Trường hợp giám hộ đương nhiên
Có hai đối tượng được giám hộ có người giám hộ đương nhiên là:
– Người chưa thành niên;
– Người người mất năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ quy định tại Điều 52, 53 Bộ Luật Dân sự 2015 thì
Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ;
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ;
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Căn cứ các quy định trên, người giám hộ đương nhiên thường là người thân thích trong gia đình có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân với người được giám hộ.
Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ
Căn cứ quy định tại Điều 54 Bộ Luật dân sự 2015 thì
Điều 54. Cử, chỉ định người giám hộ
1. Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.
2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
3. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
4. Trừ trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật này. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.
Đăng ký giám hộ
Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định. Đối với trường hợp đăng ký giám hộ cử thì nộp thêm văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Đối với trường hợp đăng ký giám hộ đương thì cần nộp thêm giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
-
Thủ tục đăng ký giám hộ
Hình thức: thực hiện trực tiếp tại trụ sở UBND cấp xã.
Trình tự thực hiện
– Người yêu cầu đăng ký việc giám hộ phải nộp hồ sơ tại bộ phận “Một cửa” của UBND cấp xã;
– Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ và Quyết định công nhận việc giám hộ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người giám hộ và người cử giám hộ mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc giám hộ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cán bộ Tư pháp hộ tịch hướng dẫn người đi đăng ký việc giám hộ hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian giải quyết;
– Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch, thì UBND cấp xã từ chối đăng ký. Việc từ chối phải thông báo bằng văn bản cho đương sự và nêu rõ lý do.
– Người được cử làm giám hộ nộp lệ phí và nhận kết quả.
Thành phần, số lượng hồ sơ
– Thành phần hồ sơ:
+ Tờ khai đăng ký việc giám hộ (theo mẫu);
+ Giấy cử người giám hộ (trường hợp đăng ký giám hộ cử)
+ Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch không biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của đương sự, thì yêu cầu xuất trình các giấy tờ sau đây để kiểm tra:
Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch để xác định về cá nhân người đó; Thông tin cư trú để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo quy định.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
*Tờ khai đăng ký việc giám hộ Mẫu TP/HT-2012-TKGH (Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23/5/2012 của Bộ Tư pháp Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch)
![mẫu tờ khai đăng ký giám hộ](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/09/mau-to-khai-dang-ky-giam-ho.png)
Mẫu-TP-HT-2012-TKGH-TỜ-KHAI-ĐĂNG-KÝ-VIỆC-GIÁM-HỘ
Thời gian thực hiện
Trong 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp cần xác minh thì thời hạn trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Phí và lệ phí
Các việc đăng ký hộ tịch khác 5.000đ/trường hợp.
Theo thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả
Quyết định công nhận việc giám hộ.
Xem thêm
Người giám hộ có được bán tài sản của người được giám hộ không?
Tài sản chung lập di chúc để lại cho con chưa thành niên thế nào?
Đăng ký giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên