Hỏi:
Xin trích lục khai tử của ông cố để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì như nào?
-
Trích lục khai tử là văn bản gì?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì:
Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Như vậy, có thể hiểu, có 2 loại văn bản trích lục đó là:
- Bản chính trích lục hộ tịch;
- Bản sao trích lục hộ tịch (bao gồm bản sao được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính).
Cơ sở dữ liệu hộ tịch là tài sản quốc gia, lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mọi cá nhân, làm cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, phục vụ yêu cầu tra cứu thông tin, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Trong trường hợp của bạn, khi ông cố đã qua đời và gia đình đã có đăng ký khai tử cho ông có thì công chức tư pháp – hộ tịch đã cập nhật thông tin hộ tịch về việc qua đời của ông trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Thông tin khai tử này có những nội dung bao gồm như họ và tên; ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân (nếu có); thời gian mất cùng một số thông tin khác của người đã qua đời. Đây là giấy tờ cần thiết để những người thừa kế làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của người chết. Văn bản trích lục khai tử có giá trị sử dụng giống như bản chính.
2. Thủ tục xin cấp bản sao trích lục khai tử
Việc cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký theo Điều 63 Luật hộ tịch 2014, theo đó cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.
Cơ quan có thẩm quyền
Như vậy, người có yêu cầu cấp bản sao trích lục khai tử có thể đến Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch để yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch.Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử như sau: Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp), Phòng Tư pháp các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Phòng Tư pháp).
Cũng chiếu theo Điều 64 Luật hộ tịch 2014 về thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Phương thức thực hiện:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa/Trung tâm hành chính công của Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử;
– Gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính;
– Nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.—.gov.vn).
Thời gian thực hiện
Ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
Phí và lệ phí
Lệ phí : 8.000 đồng/bản sao Trích lục/sự kiện hộ tịch đã đăng ký.
(Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.)
Thành phần hồ sơ
Thành phần giấy tờ, tài liệu cần thiết để thực hiện yêu cầu cấp bản sao trích lục khai tử:
– 01 Bản chính Tờ khai đề nghị bản sao Trích lục hộ tịch theo mẫu trong trường hợp người yêu cầu là cá nhân (Trường hợp nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia thì đăng ký theo biểu mẫu điện tử trên hệ thống);
– 01 Bản sao y Hộ chiếu hoặc CMND/ CCCD của người yêu cầu;
– Văn bản, giấy tờ có giá trị chứng minh quan hệ nhân thân giữa người yêu cầu với người mất;
Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì giấy tờ cần phải xuất trình là hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu cấp xác nhận thông tin hộ tịch. Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.
Hiện nay, trường hợp các thông tin cá nhân trong các giấy tờ này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT), được hệ thống điền tự động thì không phải xuất trình (theo hình thức trực tiếp) hoặc tải lên (theo hình thức trực tuyến).
Để biết thêm kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, chia tài sản, giành quyền nuôi con, cách tính án phí và các thủ tục ly hôn tại tòa án… bạn có thể tham gia khóa học kiến thức pháp luật hôn nhân & gia đình của ANSGLAW. Chủ động tiếp cận kiến thức tại nhà và được luật sư tư vấn pháp luật miễn phí 01 năm và 04 videos bài học đầu tiên miễn phí cho học viên đăng ký sớm. Xem thêm tại đây.
Xem thêm