Pháp luật hôn nhân & gia đình Việt Nam hiện hành không công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới, vậy hành vi ngoại tình với người cùng giới có vi phạm pháp luật không?
![ngoại tình đồng tính có vi phạm pháp luật không](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2023/07/ngoai-tinh-dong-tinh-co-vi-pham-phap-luat-khong.png)
Hành vi ngoại tình được hiểu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình là hành vi chung sống như vợ chồng với người khác ngoài hôn nhân của mình. Chiếu theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân & gia đình 2014 thì nghiêm cấm hành vi:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Tuy nhiên trên thực tế, để chứng minh có hành vi chung sống như vợ chồng cũng rất khó. Việc này thường được chứng minh bằng kết quả là có con chung ngoài giá thú, hoặc được hàng xóm và cộng đồng xung quanh xác nhận là có chung sống như vợ chồng. Nếu dựa trên các yếu tố trên thì rất khó để chứng minh giữa hai người đồng giới có quan hệ chung sống như vợ chồng, mà để có thể cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì phải cần có đủ hai yếu tố là một trong hai người phải là người đã kết hôn và hai người có quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.
Bên cạnh đó, chiếu theo định nghĩa tại khoản 7 Điều 3 của luật này thì chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Từ đó có thể thấy, xét dưới góc độ pháp lý, yếu tố về chủ thể của hành vi mang đặc tính về giới là nam và nữ. Việc hai người cùng giới tính tự tổ chức chung sống với nhau như vợ chồng cũng chưa được pháp luật điều chỉnh. Dù xét về mặt bản chất hành vi là tương đồng nhau, nhưng xét về mặt chủ thể thì hiện nay ngoại tình đồng giới vẫn chưa được xem là vi phạm pháp luật.