Những ngày qua mọi người đều bức xúc trước vụ người vợ bầu bị chồng tác động vật lý nghiêm trọng đến mức phải bỏ trốn về nhà. Hiện tại vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra để xử lý theo pháp luật. Dưới góc nhìn pháp lý, người chồng này đã vi phạm những điều gì và đối mặt với các vấn đề pháp lý ra sao?
Người vợ có quyền được ly hôn đơn phương
Thứ nhất về quyền ly hôn, theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Căn cứ theo quy định trên thì người chồng không được quyền ly hôn khi vợ đang mang thai, tuy nhiên người vợ thì hoàn toàn có quyền đơn phương ly hôn với người chồng khi bị tác động vật lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vi phạm hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình
Thứ hai, theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình 2007 nghiêm cấm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của vợ mình.
Các hành vi bạo lực gia đình mà người chồng này vi phạm, chiếu theo điểm b, điểm a, Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình 2007 bao gồm
Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Do vậy hành vi của người chồng trong vụ việc trên dù bất cứ lý do nào đi chăng nữa cũng thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật. Và anh này phải chịu trách nhiệm về các hành vi mà bản thân đã gây ra.
Xử lý phạt hành chính đối với hành vi của người chồng
Bên cạnh đó, hành vi bạo lực gia đình kể trên cũng có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 52, Nghị định 144/2021 của Chính phủ thì
Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.
Các hành vi đánh đập vợ mình có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng, nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho vợ thì có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó còn phải buộc xin lỗi công khai và chi trả hoàn toàn viện phí cho vợ.
Xử lý hình sự đối với hành vi của người chồng
Về hướng xử lý hình sự đối với tình huống trên. Mặc dù chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng nên không thể khẳng được chắc chắn bất cứ điều gì. Tuy nhiên đối với vụ việc trên hoặc tương tự thì tùy vào từng mức độ nguy hiểm trong hành vi của mình, tùy vào từng tính chất vụ việc mà người chồng có thể bị xử lý về tội Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Đối với trường hợp người vợ đang mang thai thì mức phạt lên đến 5 năm tù. Ngoài ra, trong trường hợp này hành vi tác động vật lý lên vợ mình như vậy còn có thể bị truy tố về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự
Chung quy lại, mặc dù vẫn đang đợi thông tin từ các cơ quan chức năng để điều tra vụ việc, nhưng chúng ta vẫn không khỏi xót thương cho người phụ nữ trong câu chuyện. Mỗi người phụ nữ, mỗi người vợ đều xứng đáng được yêu thương, nếu không còn yêu họ nữa thì hãy để họ về nhà ba mẹ họ, xin đừng ra tay đánh đập con người ta như vậy, đặc biệt đó còn là người ký tên với mình trên tờ giấy thiêng liêng đăng ký kết hôn.
———————-
Liên hệ Luật sư Hôn nhân và Gia đình ANSG
☎ 089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
✉ ansglaw@gmail.com
📌 Website: luatsudichuc.com
📌 Website: luatsuhonnhangiadinh.com
📌Tòa Nhà Vietphone, Tầng 2, số 64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, TPHCM
#ansglaw #luatsuansg #luatsutranduyninh #tuvanlyhon #baolucgiadinh #baohanhgiadinh