Vay thế chấp ngân hàng là một hình thức vay không quá xa lạ đối với nhu cầu vay vốn của các cá nhân tổ chức hiện nay, việc thế chấp tài sản nhằm mục đích đảm bảo thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ vay. Vậy trong trường hợp đi vay thế chấp ngân hàng thì có cần chữ ký của cả 2 vợ chồng không thì bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của các bạn nhé.
Thế chấp tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 về Thế chấp tài sản thì:
- Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
- Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Như vậy có thể hiểu rằng trong trường hợp này người đi vay (bên thế chấp tài sản) vay tiền từ ngân hàng (bên nhận thế chấp tài sản), bên cạnh đó bên đi vay sẽ dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng (ví dụ thế chấp quyền sử dụng đất…)
Tài sản thế chấp thường là bất động sản. Bên thế chấp sẽ chuyển giao cho bên nhận thế chấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nếu các bên có thỏa thuận.
Trường hợp cần chữ ký của vợ chồng khi vay thế chấp ngân hàng.
Đây là trường hợp nếu bên đi vay dùng tài sản thế chấp là tài sản chung của cả hai vợ chồng thì ngân hàng cần phải xác minh tính đầy đủ về mặt chữ ký của cả hai vợ chồng bởi lẽ:
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được hiểu như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.”
Như đó, đối với việc thế chấp tài sản mà tài sản đó thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì sẽ cần có chữ ký của cả hai vợ chồng. Đây là yêu cầu bắt buộc, trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình thực hiện thì sẽ ủy quyền cho người còn lại để thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật và không được tự ý giả mạo chữ ký của người còn lại. Bởi lẽ việc giả mạo chữ ký để thực hiện các giao dịch thông qua tài sản chung thì hợp đồng đó bị vô hiệu do giả tạo. Điều này dẫn đến các rủi ro cho cả người đi vay và ngân hàng.
Trường hợp không cần chữ ký của vợ chồng khi vay thế chấp ngân hàng.
Đây là trường hợp nếu tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay là tài sản riêng của người đi vay (có nghĩa là tài sản riêng của vợ hoặc chồng) thì vợ hoặc chồng tự quyền định đoạt mà không phải cần thông qua chữ ký người kia.
Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về tài sản riêng của vợ, chồng thì:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Bên cạnh đó Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về việc chiếm hữu, sử dụng. định đoạt tài sản riêng như sau:
Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Do vậy, tóm lại tài sản riêng của vợ chồng thì họ có toàn quyền định đoạt đối với tài sản đó mà không cần phải có chữ ký của người kia trong các giao dịch dân sự.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về thế chấp vay ngân hàng có cần chữ ký của vợ chồng không? Mọi thắc mắc cần tư vấn về dịch vụ hôn nhân gia đình, thừa kế vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây!
—————–
Liên hệ Luật sư Hôn nhân và Gia đình ANSG
Facebook: https://www.facebook.com/Luatsuhonnhanvagiadinh.19007264
Youtube: https://www.youtube.com/@ANSGLAW
Tiktok: https://www.tiktok.com/@ansglaw
#ansglaw #luatsuansg #luatsutranduyninh #tuvanlyhon #luatsuhonnhangiadinh #dangkykhaisinh #kethon