Hỏi:
Bố mẹ tôi ly thân, mỗi người sống ở một căn hộ, đứng tên riêng. Bố tôi mất đột ngột năm 2020, không để lại di chúc.
Gia đình tôi có 3 anh em, vậy di sản đứng tên bố sẽ được chia theo luật pháp như thế nào? Mẹ tôi có quyền hưởng thừa kế với căn hộ và tiền tiết kiệm riêng của bố hay không?

Trả lời:
Về tình trạng hôn nhân của bố mẹ bạn trong giai đoạn ly thân
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 57, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Thời điểm chấm dứt hôn nhân thì: “Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”. Điều này có nghĩa là quan hệ hôn nhân giữa bố mẹ bạn chỉ thật sự chấm dứt khi có bản án, quyết định về việc ly hôn của tòa án. Hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc “ly thân”, do đó, thời gian ly thân vẫn được tính là thời gian có hôn nhân giữa vợ và chồng.
Như vậy, xét trên phương diện pháp lý, mẹ của bạn vẫn có quyền được hưởng thừa kế di sản của bố bạn.
Về việc phân chia di sản thừa kế
Trong giai đoạn hôn nhân, về nguyên tắc, tài sản của vợ chồng tạo ra được tính là tài sản chung trong hôn nhân nếu không có sự thỏa thuận về tài sản riêng. Căn cứ quy định tại Điều 33, Luật Hôn nhân gia đình 2014 Tài sản chung của vợ chồng thì:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, căn hộ, sổ tiết kiệm của bố mẹ bạn, mặc dù đứng tên riêng của mỗi người nhưng nếu không có sự thỏa thuận đó là tài sản riêng, hoặc không chứng minh được đó là tài sản riêng thì sẽ được tính là tài sản chung.
Căn cứ quy định tại Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết. Như vậy, kể từ thời điểm bố bạn mất, hôn nhân giữa bố và mẹ mới thật sự chấm dứt. Khi đó, tài sản chung giữa hai người sẽ được chia đôi, 50% thuộc sở hữu của mẹ bạn và 50% còn lại là di sản thừa kế của người bố đã mất.
Ai là người có quyền hưởng thừa kế?
Trong trường hợp bố bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế của ông sẽ được phân chia theo pháp luật (Điều 650, Bộ Luật Dân sự 2015).
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 651, Bộ Luật Dân sự 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, người mẹ và 3 anh em bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trong trường hợp bố bạn không còn cha mẹ (ông bà nội của bạn) thì di sản của ông sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế. Theo đó, phần di sản thừa kế của bố bạn sẽ chia thành 4 phần bằng nhau cho mỗi người.
———————-
Liên hệ Luật sư Hôn nhân và Gia đình ANSG
☎ 089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
✉ ansglaw@gmail.com
📌64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM
#ansglaw #luatsuansg #luatsutranduyninh #taisanchung #taisanrieng #taisanhonnhan