Từ thời nguyên thủy, cổ đại, phong kiến, cận đại đến hiện đại, loài người đã trải qua nhiều mô hình “hôn nhân”. Có thể thấy, khuôn khổ hôn nhân không chỉ nằm ở phương diện ghép đôi sinh học mà còn là một khía cạnh quan trọng trong đời sống xã hội.
Có hai loại hình thái hôn nhân phổ biến trong tiến trình phát triển của xã hội loài người là: phức hôn (tạp hôn, quần hôn) và đơn hôn (hôn nhân đối ngẫu theo cặp).
Điểm qua các hình thái hôn nhân của loài người
- Tạp hôn là hình thái hôn nhân thời nguyên thủy, theo đó đàn ông và phụ nữ giao hợp xáo trộn với nhau trong bầy đàn.
- Kế đến hình thái tạp hôn thì hình thái quần hôn ra đời vào thời cổ đại. Đó là hôn nhân theo nhóm nhưng không xáo trộn trong cùng bầy đàn mà có sự giao lưu giữa các thị tộc, bộ tộc. Những người đàn ông của thị tộc này được quan hệ với những người đàn bà của thị tộc khác một cách tự do. Quan hệ quần hôn góp phần loại trừ được sự quan hệ tình dục cùng trực hệ, quan hệ loạn luân giữ cha con, mẹ con. Tiếp nối các giai đoạn hình thái quần hôn là hôn nhân đa phu (người phụ nữ cho nhiều chồng), đa thê (người đàn ông có nhiều vợ).
- Theo tiến trình phát triển thì hôn nhân đối ngẫu dần thay thế các hình thái hôn nhân xưa cổ. Xuất phát từ nhu cầu kết nối hôn nhân bền vững của người phụ nữ, họ cần sự gắn bó cao hơn so với đàn ông trong quan hệ hôn nhân. Hình thái này tạo ra một đơn vị hôn phối là cặp đôi, theo đó một người đàn ông sẽ chỉ kết hôn với một người phụ nữ.
Hiện nay, các mô hình hôn nhân vẫn còn tồn tại và duy trì trên thế giới là mô hình đa phu, đa thê và mô hình hôn nhân đối ngẫu. Trong đó, đại bộ phận các quốc gia lựa chọn hình thái hôn nhân đối ngẫu cặp đôi. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Hôn nhân hiện đại đang tiếp tục diễn biến đa dạng
Cuộc sống xã hội hiện đại vừa tạo ra các điều kiện kết nối cặp đôi dễ dàng nhưng cũng đồng thời tạo cho họ nhiều thách thức trong việc tìm kiếm bạn đời và xây dựng hôn nhân. Điển hình như tỉ lệ người trẻ mong muốn kết hôn đang có xu hướng giảm dần. Hay thậm chí xuất hiện nhu cầu kết hôn với… đồ vật, với các chương trình AI công nghệ mà không phải là giữa người với người. Bởi nhu cầu xây dựng hôn nhân dường như đã không còn nằm ở vị thế ưu tiên trong cuộc sống.
Mới đây nhất là xuất hiện mô hình “hôn nhân ghép” (拼婚 Pīn hūn) ở giới trẻ Trung Quốc. Là mô hình hôn nhân ghép gặp không dựa trên cơ sở tình, cũng không vì mục đích xây dựng gia đình. Họ ghép cặp kết hôn chỉ vì các mục đich: muốn có con, muốn chia sẻ gánh nặng chi phí sinh hoạt…
Chi phí kết hôn ở Trung Quốc rất cao, tạo ra một áp lực về kinh tế cho những cặp đôi. Để tiết kiệm chi phí, người trẻ chọn cách tìm một đối tác có cùng “chí hướng” để ghép cặp mà không cần các thủ tục thách cưới, nhà trai không cần tiền sính lễ, nhà gái không cần của hồi môn như đám cưới truyền thống. Họ sống cùng nhau để chia sẻ tiền nhà ở, tiền sinh hoạt phí nhưng sở hữu tài sản riêng, không ai ràng buộc và chu cấp cho ai. Họ gọi đây là “hôn nhân thông minh” bởi gần như nó giải quyết được các vấn đề khó nhằn trong hôn nhân truyền thống:
- Không ràng buộc tình cảm, không kiểm soát, không ghen tuông, không xâm phạm đời tư các nhân của nhau;
- Con chung cùng nuôi, chia sẻ trách nhiệm đồng đều;
- Lễ tết nhà ai nấy ở, cha mẹ họ hàng mỗi bên đều tự phụng dưỡng;
- Mua nhà, mua xe, chi phí sinh hoạt hằng ngày đều chia đôi;
- Duy trì quan hệ hôn nhân bằng hợp đồng, nếu ai tìm được “đối tác” khác thì ly hôn và bồi thường hợp đồng theo thỏa thuận.
Có thể thấy, mô hình hôn nhân hiện đại không còn bị gò bó vào các quy phạm đạo đức, trách nhiệm xã hội như trước kia nữa, mà tự do “biến hóa” đa dạng với nhiều kiểu hình khác nhau. Con người ngày càng có nhiều cơ hội và nhiều mong muốn trong cuộc sống. Do đó, khuôn khổ hôn nhân truyền thống đã không thể ràng buộc tư duy của họ. Kết hôn, không kết hôn, kết hôn với đồ vật hay hợp đồng hôn nhân đều là một lựa chọn, miễn là họ thấy phù hợp, họ luôn có quyền tự định đoạt hôn nhân cho mình.