Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng thì:
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/10/310315247_145589918192384_8687020592370421054_n.png)
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”
Do đó vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Theo đó, khi được tặng cho riêng tài sản, nếu muốn chuyển tài sản riêng đó thành tài sản chung, hai vợ chồng cần phải thực hiện thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Căn cứ quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung thì:
“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Theo đó, sẽ có 02 trường hợp nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng như sau:
– Nhập trước khi kết hôn: Hình thức này còn được Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định là thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Cũng theo đó, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn và bằng văn bản có công chứng/chứng thực.
– Nhập sau khi kết hôn: Đây là hình thức thỏa thuận nhập tài riêng vào tài sản chung vợ chồng. Với tài sản là đất đai, khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai chỉ quy định các loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; thừa kế. Do đó, Văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng (là nhà, đất) vào tài sản chung vợ chồng không phải là một trong các văn bản phải công chứng, chứng thực trong trường hợp này. Tuy nhiên bạn có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực văn bản này để đảm bảo việc thỏa thuận có giá trị pháp lý cao nhất.
* Lưu ý: Theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định, khi vợ chồng muốn chuyển quyền sử dụng đất từ tài sản riêng sang tài sản chung với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã được đăng ký thì bắt buộc phải thực hiện đăng ký biến động trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có thỏa thuận.