* Hệ quả pháp lý của các giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện trong trường hợp đại diện theo pháp luật
– Trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án ra quyết định là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người chồng hoặc vợ còn lại đủ điều kiện là người giám hộ, trừ trường hợp trước đó người này khi có đủ năng lực hành vi dân sự đã lựa chọn người giám hộ cho mình khi cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó vợ hoặc chồng được xác định là người giám hộ của chồng hoặc vợ mình thì người đó có quyền, nghĩa vụ “đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự”.
Khi thực hiện quyền đại diện cho người được giám hộ thì vợ hoặc chồng là người giám hộ có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung hoặc tài sản riêng của chồng hoặc vợ được giám hộ trên cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Khi vợ hoặc chồng là người giám hộ xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự với người thứ ba liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì về nguyên tắc, giao dịch đó sẽ có giá trị pháp lý, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Các giao dịch mà người vợ hoặc chồng đại diện xác lập, thực hiện liên quan đến tài sản riêng của người được đại diện vì lợi ích của người được đại diện trong phạm vi được Tòa án xác định có hiệu lực pháp lý. Việc xác lập giao dịch liên quan đến tài sản riêng có giá trị lớn của người được giám hộ thì “phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ” thì mới có hiệu lực.
– Trường hợp vợ hoặc chồng được chỉ định là người đại diện cho chồng hoặc vợ mình bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người này chỉ có quyền thể hiện ý chí về sự đồng ý hay không đồng ý đối với các giao dịch mà người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Trong trường hợp này, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nên họ có quyền tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với người khác, nhưng các giao dịch này chỉ có hiệu lực pháp lý nếu có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch nhằm “phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”. khi người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì phải có sự thể hiện ý chí của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu người vợ hoặc chồng đại diện lợi dụng quyền đại diện để xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung mà không có sự đồng ý của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì giao dịch đó có thể bị vô hiệu.
* Hệ quả pháp lý của các giao dịch do vợ, chồng thực hiện trong trường hợp đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng
– Hệ quả pháp lý của các giao dịch thực hiện trên cơ sở đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng liên quan đến tài sản riêng.
Trong trường hợp vợ, chồng ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản riêng của một bên thì quan hệ đại diện đó về bản chất không có gì khác đại diện giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ dân sự, được điều chỉnh bởi luật dân sự. Người vợ hoặc chồng được ủy quyền là người có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình để xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản riêng của người ủy quyền. Các giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện trong phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện.
Vợ hoặc chồng có thể là người đại diện của người kia khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp kinh doanh mà tư cách đại diện của vợ hoặc chồng sẽ được xác định khác nhau. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh riêng thì chồng hoặc vợ của họ chỉ có thể là người đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến một hoạt động kinh doanh cụ thể nào đó khi được ủy quyền.
Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung, với kết cấu của Điều 25 Luật năm 2014, việc kinh doanh chung trong trường hợp này là vợ chồng cùng tham gia trực tiếp vào quan hệ kinh doanh và việc kinh doanh đó có thể được thực hiện bằng tài sản riêng hoặc bằng tài sản chung. Khi cùng tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh chung thì vợ, chồng sẽ có tư cách đại diện cho nhau trong các khâu, các quá trình của hoạt động kinh doanh đó. Như vậy, đại diện trong trường hợp kinh doanh chung ở đây là đại diện đương nhiên, mà không phải là đại diện theo ủy quyền.
– Hệ quả pháp lý của các giao dịch thực hiện trên cơ sở đại diện theo ủy quyền giữa vợ và chồng liên quan đến tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Về nguyên tắc, các giao dịch liên quan tới tài sản chung của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng, trừ trường hợp các giao dịch được vợ hoặc chồng xác lập nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Tuy nhiên, nếu định đoạt những tài sản chung của vợ chồng như bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì dù có vì nhu cầu thiết yếu của gia đình vẫn phải có sự thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản. Sự thỏa thuận đó có thể được thể hiện qua việc ủy quyền khi một bên không thể trực tiếp tham gia giao dịch. Giao dịch do vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện trên cơ sở ủy quyền có giá trị pháp lý như giao dịch do cả hai vợ chồng xác lập và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
Trong thời kỳ hôn nhân, một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện các giao dịch mà không có sự thỏa thuận hoặc ủy quyền của người kia và không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình thì người xác lập giao dịch phải chịu trách nhiệm riêng về các hậu quả pháp lý phát sinh từ các giao dịch đó.
Vợ hoặc chồng có thể thỏa thuận để một bên kinh doanh bằng tài sản chung. Việc kinh doanh luôn tiềm ẩn những rủi ro cho kinh tế gia đình, đặc biệt khi quy mô kinh doanh càng lớn với số vốn lớn. Để đảm bảo lợi ích chung của gia đình, khi một bên vợ hoặc chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh đòi hỏi phải có sự thỏa thuận, thống nhất của vợ chồng bằng văn bản. Trong trường hợp có sự thỏa thuận của vợ chồng đồng ý cho một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người đó “có quyền tự mình thực hiện giao dịch” liên quan đến tài sản đã đưa vào kinh doanh. Điều đó cũng có nghĩa là người đó có quyền đại diện cho chồng hoặc vợ mình trong hoạt động kinh doanh đó. Do vậy, các nghĩa vụ về tài sản phát sinh từ các hành vi kinh doanh của vợ hoặc chồng đều là nghĩa vụ chung của vợ chồng, lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh là tài sản chung của vợ chồng.