Khái niệm “chết” và “bị tuyên bố chết” trên phương diện pháp luật đôi khi sẽ không đồng nhất với nhau trong một số tình huống.
- “Chết” là trạng thái ngừng sự sống về mặt sinh học của một người. Khi một người chết trên phương diện sinh học, nhận diện các biểu hiện của sự chết thông qua các đặc điểm như ngừng thở, tim ngừng đập,…và có sự xác nhận của cơ quan, cá nhân chuyên môn như bác sĩ, giám định viên pháp y. Khi một người được xác định là đã chết thì các quyền và nghĩa vụ gắn với nhân thân của họ cũng chấm dứt. Trong hôn nhân, khi một người vợ/chồng chết thì hôn nhân của họ cũng chấm dứt kể từ thời điểm họ chết đi (Điều 65, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014);
- “Bị tuyên bố chết” lại là một trạng thái pháp lý mà thông qua việc Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết dựa trên các căn cứ theo luật định tại Điều 71, Bộ Luật Dân sự 2015. Khi một người bị tuyên bố là đã chết thì các quyền và nghĩa vụ gắn với nhân thân của họ cũng bị chấm dứt tương tự như cái chết sinh học kể trên. Trong quan hệ hôn nhân, trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án (Điều 65, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Tuy nhiên, có những tình huống người bị tòa án tuyên bố là đã chết lại trở về, vì trên thực tế họ vẫn còn sống, nhưng vì nhiều lý do mà họ đã không hiện diện suốt thời gian dài. Vậy trong những tình huống người chồng/vợ bị tuyên bố là đã chết, hôn nhân đã kết thúc, tài sản đã phân chia… thì khi trở về sẽ được xử lý như thế nào?
Khôi phục quyền của bản thân bằng cách yêu cầu tòa án huỷ bỏ quyết định tuyên bố chết
Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết (Khoản 1, Điều 73, Bộ Luật Dân sự 2015).
Bằng cách hủy bỏ quyết đinh tuyên bố chết thì người bị tuyên bố chết sẽ có căn cứ để khôi phục lại các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Về quan hệ nhân thân khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 73, Bộ Luật Dân sự 2015 và quy định tại Điều 67, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
- Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn. Nghĩa là nếu người vợ/chồng vẫn chưa kết hôn với ai khác thì quan hệ hôn nhân của họ được khôi phục lại;
- Khi vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68, Bộ Luật Dân sự 2015 (đo là trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn đơn phương) thì bản án ly hôn đó vẫn có hiệu lực. Nghĩa là quan hệ hôn nhân của họ đã chấm dứt theo bản án. Nếu muốn thiết lập lại quan hệ hôn nhân thì phải đăng ký kết hôn lại;
- Khi vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Do bản án ly hôn đã có hiệu lực nên hôn nhân cũ của họ đã chấm dứt. Do đó việc kết hôn với người khác của vợ/chồng lúc này là đúng theo quy định của pháp luật và được công nhận.
Về quan hệ tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 67, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì quan hệ tài sản được giải quyết như sau:
- Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chết có hiệu lực.
- Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định tuyên bố chết có hiệu lực đến khi quyết định đó bị hủy bỏ được tính là tài sản riêng của người đó;
- Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước thời điểm quyết định tuyên bố chết có hiệu lực sẽ phân chia tài sản như khi ly hôn.