Hỏi: Vợ chồng chị A và anh B cùng mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ giặt là. Chị A là người trực tiếp quản lý cửa hàng. Xin hỏi trong trường hợp này, chị A là người đại diện của hai vợ chồng trong quan hệ kinh doanh trên không? Trường hợp hai vợ chồng chị A có thỏa thuận về việc đưa tài sản chung vào kinh doanh thì chị A có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó hay không? anh B có phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những giao dịch trong quan hệ kinh doanh do chị A thực hiện hay không?
——————
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì điều kiện để vợ, chồng đại diện theo pháp luật cho nhau được xác định như sau:
– Vợ/chồng là người được đại diện khi bị mất năng lực hành vi dân sự và chồng/vợ là người đại diện có đủ điều kiện để làm người giám hộ.
– Vợ/chồng là người được đại diện khi bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và chồng/vợ là người đại diện khi được Tòa án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật này còn quy định về việc đại diện theo ủy quyền giữa vợ chồng như sau:
“Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.”
Đối với những giao dịch trong quan hệ kinh doanh thì phải được xác lập dựa trên sự đồng ý của cả vợ và chồng, khi ấy thì vợ hoặc chồng sẽ đại diện cho người còn lại tham gia vào giao dịch với bên thứ ba. Bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài sản giữa vợ chồng mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba, do đó pháp luật đã có những quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh, cụ thể quy định tại Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.”
Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Như vậy, trong trường hợp nêu trên thì chị A là người đại diện hợp pháp cho vợ chồng trong quan hệ kinh doanh của cửa hàng và cũng có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung khi thỏa thuận giữa hai vợ chồng về tài sản chung được lập thành văn bản. Khi vợ hoặc chồng đại diện cho người còn lại tham gia vào quan hệ kinh doanh thì người còn lại đó sẽ phải có trách nhiệm liên đới đối với quyết định của người đại diện, do đó anh B vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới với những giao dịch do chị A thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
—————-
Mọi thông tin cần tư vấn tiền hôn nhân Liên hệ Luật sư Hôn nhân và Gia đình ANSG
089 977 99 08 hoặc Hotline 1900 7264
ansglaw@gmail.com
64 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM