Thế nào là ngoại tình?
Hành vi ngoại tình là hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng. Đối với pháp luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam thì chỉ công nhận hôn nhân một vợ và một chồng. Do đó, khi một người có quan hệ tình cảm nam nữ với một người khác mà không phải vợ hoặc chồng hiện tại của mình thì được xem là vi phạm nghĩa vụ chung. Có rất nhiều khái niệm về ngoại tình và nhiều góc nhìn nhận khác nhau về mức độ của các hành vi quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân.
Với một số người thì ngoại tình là khi một người có quan hệ tình dục với một người khác ngoài hôn nhân, còn với một số người khác thì chỉ cần có tương tác trò chuyện, nhắn tin hoặc có tình cảm yêu thích nhau thì đã là ngoại tình. Nhưng dưới góc nhìn pháp luật thì “ngoại tình” chỉ được hiểu và nhìn nhận dưới một quan điểm nhất quán. Căn cứ theo quy định Điểm c, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì Hành vi ngoại tình được định nghĩa là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Hành vi này được hiểu là việc tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng của một người nam và một người nữ, nhưng một trong hai hoặc cả hai bên nam nữ đều đang có hôn nhân với một người khác.
Bằng chứng ngoại tình sẽ có lợi thế nào?
Bằng chứng ngoại tình là các chứng cứ chứng minh người vợ hoặc chồng đang có hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy. Những bằng chứng này đóng vai trò quan trọng khi giải quyết các tranh chấp trong đời sống hôn nhân, đặc biệt là một căn cứ để giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (Khoản 1, Điều 56, Luật HN&GĐ 2014).
Tuy nhiên các bằng chứng ngoại tình không phải là yếu tố quyết định để giải quyết các tranh chấp phân chia tài sản hay tranh giành quyền nuôi con cái.
- Về phân chia tài sản: sẽ được chia dựa trên công sức đóng góp của mỗi bên. Đối với các tài sản riêng của vợ chồng thì sẽ không phân chia, còn các tài sản chung sẽ được chia cho mỗi bên. Bên nào có công sức đóng góp nhiều hơn thì sẽ được phân chia phần tương ứng. Bằng chứng ngoại tình không phải là lợi thế khi ly hôn có tranh chấp tài sản;
- Về việc giành quyền nuôi con: Tòa án cân nhắc toàn diện các yếu tố về điều kiện chăm sóc, điều kiện vật chất và tinh thần, sức khỏe… nhằm đảm bảo cho trẻ có môi trường sống tốt nhất. Bằng chứng ngoại tình có thể được cân nhắc trong trường hợp này, bởi việc vi phạm nghĩa vụ chung thủy cũng nằm trong phạm trù đạo đức, khi một người vi phạm các giá trị đạo đức ở mức độ nghiệm trọng gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần và sức khỏe của các thành viên trong gia đình thì tòa án sẽ xem xét hạn chế quyền nuôi con trực tiếp của họ, tùy từng trường hợp.
Bằng chứng ngoại tình như thế nào là hợp pháp
Một số bằng chứng thể hiện hành vi ngoại tình được sử dụng phổ biến trong các phiên tòa ly hôn như sau:
- Giấy tờ xét nghiệm, giám định ADN chứng minh quan hệ huyết thống cha mẹ con (trong trường hợp quan hệ ngoại tình có con ngoài giá thú);
- Những hình ảnh, tin nhắn, file ghi hình, ghi âm lại các hành vi ngoại tình;
- Lời khai của nhân chứng hoặc của người có có hành vi ngoại tình
Khi thu thập được những bằng chứng, chứng cứ kể trên thì người có yêu cầu ly hôn có thể nộp cho tòa án xem xét. Bên cạnh việc giao nộp chứng cứ thì người thu thập các chứng cứ này cũng có nghĩa vụ phải đảm bảo tính trung thực của bằng chứng, không phải là do ngụy tạo.
Xử lý hành vi ngoại tình như thế nào?
Căn cứ Nghị định 82/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.
Bên cạnh biện pháp xử phạt hành chính kể trên thì người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng còn đối mặt với trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây ra các thiệt hại nghiêm trọng.