Cơ sở pháp lý: Luật Đất đai 2013; NĐ 43/2014/NĐ-CP; NĐ 01/2017/NĐ-CP; NĐ 148/2020/NĐ-CP; NĐ 91/2019/NĐ-CP; TT 24/2014/TT-BTNMT; TT 33/2017/TT-BTNMT; TT 09/2021/TT-BTNMT.
Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là đăng ký biến động) là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Đăng ký biến động được thực hiện trong trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.
Do đó, sau khi phân chia tài sản là bất động sản khi hai vợ chồng ly hôn thì cần phải thực hiện đăng ký biến động.
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai trong trường hợp này bao gồm
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp thực hiện quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã có hiệu lực thi hành hoặc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án mà không thu hồi được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
– Một trong các loại giấy tờ gồm: quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành có nội dung xác định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận phân chia hoặc hợp nhất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ và chồng;
– Sổ hộ khẩu;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh ly hôn kèm theo.
Thủ tục đăng ký biến động đất đai
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định và nộp hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND cấp xã nơi có đất (trường hợp có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã).
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ, công chức tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ.
– Nếu hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận, viết Phiếu biên nhận cho người nộp hồ sơ và chuyển hồ sơ đến bộ phận, người có thẩm quyền giải quyết.
– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Trách nhiệm của UBND cấp xã
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
– Tiếp nhận Giấy chứng nhận do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển tới.
Bước 4: Nhận kết quả
Người sử dụng đất xuất trình giấy biên nhận, nộp phí, lệ phí, nhận kết quả tại nơi đã nộp hồ sơ.
Thời hạn đăng ký biến động đất đai đói với việc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của vợ và chồng là không quá 10 ngày. Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính.