Trưa hôm nay cư dân mạng dậy sóng món “lòng xào dưa” cùng nhiều tình tiết drama trong vụ ngoại tình của một cô giáo mầm non ở Thái Bình.
Chị Đ.H – vợ của người đàn ông đang bị “bốc phốt” vì ngoại tình với cô giáo mầm non, là người đã phát tán nội dung tin nhắn nhạy cảm giữa nhân tình và chồng mình.
Được biết, một cô giáo mầm non do chồng sức khoẻ yếu nên đã ra ngoài tìm kiếm một người đàn ông khác để đáp ứng nhu cầu của mình. Từ đó mối quan hệ ngoài luồng của cả hai bắt đầu. Người vợ đã chụp đoạn tin nhắn trò chuyện của chồng và nhân tình với những nội dung riêng tư và chia sẻ lên mạng xã hội đã trở thành đề tài được mọi người quan tâm bàn tán. Hàng loạt bài đăng liên quan đến chuyện “lòng xào dưa” được bàn luận khắp các hội nhóm Facebook.
Từ sự việc trên tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà “chính thất” phải đối mặt. Từng nhân vật trong drama tình ái “lòng xào dưa” có thể phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý nào?
—————-
![](https://luatsuhonnhangiadinh.com/wp-content/uploads/2022/08/long-xao-dua-30k-300x300.png)
– Vi phạm chế độ một vợ một chồng:
Người chồng và cô giáo mầm non đang có gia đình có thể bị xử lý về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Cụ thể là khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó có nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Để bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình quy định các hành vi bị cấm, trong đó điểm c khoản 2 Điều 5 Luật này có nhắc đến hành vi sống chung như vợ chồng, cụ thể: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.”
Vi phạm điều cấm này, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì hành vi kể trên sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 triệu đồng.
—————-
– Xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân
Quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 thì
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Như vậy, việc người vợ đọc trộm tin nhắn riêng tư của chồng mà không được sự đồng ý của anh ta cũng được xem là hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Tùy vào mức độ và tính chất nguy hiểm của hành vi mà sẽ đối diện với các hình thức xử phạt khác nhau.
Việc đọc và phát tán những tin nhắn này nhằm xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người đó thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 51 Nghị định 167, nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 01 – 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định, trường hợp cố tình thu thập tin nhắn, email mà không được sự đồng ý, người vi phạm còn có thể bị phạt hành chính với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
—————
=>>> Hãy “ăn dưa” cẩn trọng, không nên để cái sai của người khác làm ảnh hưởng đến “quyền đúng” của bản thân các nàng vợ nhé!